Hội nghị phổ biến, hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

Thứ Hai, 19/01/2015, 15:16 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 17-01-2015, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị phổ biến, hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) cho các báo cáo viên pháp luật của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước..
 
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị khẳng định, việc lấy kiến nhân dân có ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng Bộ luật dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ dân sự, có tính khái quát, dự báo và khả thi, bảo đảm tính ổn định, đáp ứng kịp thời sự phát triển thường xuyên, liên tục các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự. Thứ trưởng nhấn mạnh, các báo cáo viên pháp luật phải là hạt nhân giúp các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đảm bảo công khai, minh bạch, đạt hiệu quả, chất lượng. 
Tại hội nghị, báo cáo viên Trung ương và các tỉnh, thành phố được nghe giới thiệu về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), những điểm hạn chế trong quy định của Bộ luật dân sự hiện hành và những nội dung cơ bản, điểm mới trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), bao gồm: Quy định chung; Quyền sở hữu và các vật quyền khác; Nghĩa vụ và hợp đồng; Thừa kế; Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) gồm tổng số 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương. So với Bộ luật dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều.
Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 5-1-2015 và kết thúc vào ngày 5-4-2015. Sau thời hạn trên, tổ chức, cá nhân tiếp tục góp ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) gửi đến Bộ Tư pháp trước ngày 20-9-2015.
Đỗ Văn Nhật
;
.