Hội thảo về thực trạng, giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp

Thứ Năm, 29/01/2015, 10:10 [GMT+7]
Ngày 28-01, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Hội thảo khu vực phía Bắc về thực trạng, giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp. 
Dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
 
Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo
Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương
phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhấn mạnh: tham nhũng, tiêu cực luôn được coi là nguy cơ của mỗi quốc gia, diễn ra trong mọi lĩnh vực của hoạt động nhà nước, ở đâu có quyền lực là ở đó có nguy cơ quyền lực bị xảy ra tha hóa và xảy ra tiêu cực, tham nhũng. 
Trong lĩnh vực tư pháp tiêu cực, tham nhũng có mức độ nguy hại rất cao do xảy ra trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Vì vậy việc nhận diện, phát hiện, đề ra giải pháp đấu tranh phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp không chỉ có ý nghĩa pháp lý mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Kỷ cương, kỷ luật cùa mỗi quốc gia có tốt hay không tốt, phần lớn phụ thuộc vào chất lượng, hiệu quả và tính nghiêm minh của hệ thống các cơ quan tư pháp. Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Bộ Chính trị đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém, tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp “tình trạng một bộ phận cán bộ tư pháp nhũng nhiễu, tiêu cực chưa giảm, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào chất lượng hoạt động tư pháp” (Kết luận số 92-KL/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị). Như vậy, cần nhận thức rõ hơn việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp không chỉ là triển khai đầy đủ, đúng đắn các chủ trương, phương hướng nhiệm vụ được đề ra, mà còn phải đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực len lỏi vào hoạt động tư pháp. Do đó, từ nay đến năm 2020, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách tư pháp.
Tại Hội thảo, đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã trình bày tóm tắt nội dung của đề án về thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của cơ quan, tổ chức.
Các đề án tập trung vào vấn đề cần được làm rõ cả về lý luận và thực tiễn, làm rõ thực trạng của tiêu cực, tham nhũng trong thời gian qua, kết quả, hạn chế, nguyên nhân của công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao các báo cáo tham luận, đồng thời nhấn mạnh, hoạt động tư pháp là hoạt động bảo vệ pháp luật, nếu hoạt động tư pháp có tiêu cực thì cũng không còn công lý. Hiện nay, hoạt động tư pháp không chỉ là của các cơ quan tư pháp mà còn là của các tổ chức cá nhân có tham gia trực tiếp đến hoạt động tư pháp. Do vậy, cần xác định rõ nguyên nhân và đưa ra những giải pháp toàn diện trong việc chống tham nhũng và tiêu cực trong cơ quan tư pháp.
Trên cơ sở đó, đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đưa ra các giải pháp cần quan tâm: hạn chế những sơ hở, kẽ hở ngay trong việc xây dựng hệ thống pháp luật, đặc biệt ngay trong các cơ quan tư pháp cần làm rõ trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân trong cơ quan tư pháp, chống tiêu cực trong các hoạt động tố tụng, tôn trọng tính công khai, minh bạch của pháp luật và đề cao quyền con người, nên tính đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cho hoạt động tư pháp. Mọi hoạt động tố tụng phải có sự tham gia của người bào chữa, việc tham gia của Luật sư là ở tất cả các giai đoạn chứ không phải chỉ ở giai đoạn xét xử nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bị can, bị cáo. Bên cạnh đó, cần có chính sách tiền lương đối với cán bộ làm công việc đặc thù, tăng cường đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, đạo đức tại cơ quan hoạt động tư pháp, đổi mới việc vận hành và giám sát cơ chế hoạt động tư pháp.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ cho rằng, trong các đề án đều nêu lên được sự cần thiết về các giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Trong thời gian tới, cần xác định phạm vi cụ thể hơn nữa, không chỉ hướng đến các cơ quan tư pháp mà còn đến cả các hoạt động tư pháp. “Các cơ quan cần hướng đến một Đề án chung về phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Các cơ quan tư pháp trong sạch là cơ sở để chống tiêu cực ở các cơ quan khác”, đồng chí nhấn mạnh.
Đăng Linh
;
.