Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
Thứ Tư, 08/04/2015, 11:21 [GMT+7]
Tiếp tục Phiên họp thứ 37, sáng 07-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội, chủ trì phiên họp.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được xây dựng theo hướng kế thừa và phát triển các quy định còn phù hợp của Bộ luật Hình sự hiện hành, bổ sung các quy định mới để giải quyết những vướng mắc, bất cập đang đặt ra trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, đồng thời hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự nhằm bảo đảm tính thống nhất nội tại của Bộ luật Hình sự và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; nâng cao tính minh bạch, khả thi của Bộ luật. Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có 441 điều, tăng 87 điều so với Bộ luật Hình sự hiện hành, trong đó giữ nguyên 8 điều, bổ sung mới 63 điều, sửa đổi 370 điều và bãi bỏ 8 điều của Bộ luật Hình sự hiện hành.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tờ trình |
Về vấn đề hạn chế hình phạt tử hình, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp tán thành với tờ trình của Chính phủ về định hướng giảm án tử hình nhằm thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước và thực hiện các mục tiêu cải cách tư pháp. Theo đó, sẽ có 7/22 tội danh sẽ được bỏ hình phạt tử hình. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, để hướng tới việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, cần hạn chế nhiều hơn tội phạm tử hình theo hướng cần nghiên cứu kỹ hơn về tội chung thân không ân giảm.
Về quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Ý kiến đồng tình cho rằng qua thực tiễn xử lý các vụ việc điển hình trong thời gian qua cho thấy những khó khăn, vướng mắc và hạn chế hiện nay trong việc giải quyết các vi phạm pháp luật của pháp nhân bằng biện pháp hành chính và dân sự. Việc xử lý hình sự sẽ được tiến hành bởi các cơ quan tiến hành tố tụng mang tính chuyên nghiệp cao, với trình tự, thủ tục tư pháp chặt chẽ, minh bạch, sử dụng các chế tài mạnh mẽ, các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu trong việc chứng minh các hành vi vi phạm và xác minh mức độ thiệt hại do pháp nhân gây ra. Ngược lại, ý kiến không đồng tình cho rằng những vướng mắc trong việc xử lý đối với các pháp nhân vi phạm pháp luật xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện, mà không phải do thiếu cơ sở pháp lý. Việc đặt ra trách nhiệm hình sự của pháp nhân có thể gây ảnh hưởng bất lợi trong việc thực hiện chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường định hướng XHCN.
Các ý kiến đều thống nhất về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và cần chọn lựa các vấn đề quan trọng để xin ý kiến. Để có cơ sở pháp lý để hoàn thiện các đạo luật khác như Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra, Luật tạm giữ, tạm giam và Quốc hội khóa XIII chỉ còn 3 kỳ họp (kỳ họp cuối cùng chủ yếu là tổng kết nhiệm kỳ), do đó, dự án Bộ luật Hình sự cần tiếp tục giữ lộ trình xem xét và thông qua như Chương trình xây dựng luật, pháp luật của Quốc hội (cho ý kiến và thông qua trong 2 kỳ họp).
Nguyễn Hà Thanh
;