Chính phủ trình Quốc hội 3 dự án Luật
Thứ Năm, 21/05/2015, 10:07 [GMT+7]
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 20-5, Quốc hội đã nghe Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013 và 3 dự án Luật: Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
* Đổi mới nhận thức về chính sách hình sự
Tờ trình Bộ luật Hình sự (sửa đổi) nêu rõ việc Quốc hội xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này mong muốn phát huy hơn nữa vai trò của bộ luật với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện mới; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự lần này được xác định là cơ bản và toàn diện nhằm hướng tới việc đổi mới nhận thức về chính sách hình sự mà trọng tâm là đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, về chính sách xử lý đối với một số loại tội phạm và loại chủ thể phạm tội.
Việc sửa đổi nhằm đảm bảo các quy định của Bộ luật Hình sự không chỉ là công cụ pháp lý để các cơ quan chức năng đấu tranh, trấn áp tội phạm mà còn là cơ sở pháp lý để bảo vệ sự phát triển lành mạnh các quan hệ kinh tế - xã hội; để mọi người dân tự bảo vệ mình, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội; khuyến khích mọi người dân chủ động, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Dự thảo bộ luật sửa đổi tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp hình sự của các nước trong khu vực, trên thế giới; đồng thời đồng bộ với các luật, bộ luật đã được ban hành (như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hôn nhân và Gia đình...) cũng như các luật, dự luật đang được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như: Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), các luật về quyền con người, quyền công dân.
Dự thảo Bộ luật có tổng số 443 điều (tăng 99 điều so với Bộ luật Hình sự hiện hành), trong đó giữ nguyên nội dung 43 điều, bãi bỏ 6 điều, bổ sung mới 68 điều và sửa đổi 329 điều (trong đó có 51 điều được tách ra từ 20 điều của Bộ luật Hình sự hiện hành).
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) gồm 26 chương và được thiết kế thành 3 phần trên cơ sở kế thừa hai phần của Bộ luật Hình sự hiện hành và bổ sung thêm Phần thứ ba quy định về điều khoản thi hành. So với bộ luật hiện hành, dự thảo có bổ sung mới 2 chương ở Phần những quy định chung (Chương IV - Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự và Chương XI - Quy định đối với pháp nhân phạm tội).
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật lần này trước hết cần tập trung giải quyết những vấn đề thực sự vướng mắc làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã được làm rõ trong quá trình tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự, chỉ bổ sung những vấn đề mới khi thực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoàn thiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) |
* Coi việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa
Kết quả 10 năm thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự cho thấy, bộ luật này đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng dân sự dân chủ, công khai, đơn giản, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự cũng cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự cần được khắc phục. Cụ thể vẫn còn tình trạng vụ việc dân sự tồn đọng, quá thời hạn giải quyết; tỷ lệ các bản án bị hủy, sửa chưa giảm mạnh, chất lượng xét xử chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.
Kháng cáo đối với bản án, quyết định sơ thẩm và khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng còn nhiều; số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm lớn gây quá tải cho việc xem xét, giải quyết của tòa án; thủ tục tố tụng chung áp dụng đối với việc giải quyết các vụ án đơn giản, giá trị tranh chấp nhỏ gây tốn kém thời gian, chi phí cho cả tòa án và người tham gia tố tụng…
Việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự lần này tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 48-NQ/TW; Nghị quyết số 49-NQ/TW; Kết luận số 79-KL/TW; Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI.
Trong đó, xác định yêu cầu đổi mới tổ chức phiên tòa xét xử; xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; đẩy mạnh và coi việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là khâu đột phá của hoạt động xét xử; tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm ...
Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) có tổng số 491 điều, được bố cục thành 10 phần, 43 chương. So với Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) giữ nguyên 177 điều, sửa đổi, bổ sung 238 điều, bổ sung mới 76 điều, bãi bỏ 7 điều.
Ủy ban Tư pháp - cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật đề nghị cần bổ sung quan điểm chỉ đạo cụ thể hơn, như việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự phải đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp 2013, yêu cầu cải cách tư pháp về tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm các thủ tục tố tụng công khai, minh bạch, dân chủ, đơn giản để người dân dễ tiếp cận công lý .
Đối với những vấn đề đã ổn định, không vướng mắc và đang phát huy tác dụng thì kế thừa quy định hiện hành... Ủy ban Tư pháp đề nghị cân nhắc việc sửa đổi các chế định, quy định trong dự thảo phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là với Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành án dân sự; với Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Luật tạm giữ, tạm giam và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là với các quy định mới của Bộ luật Hình sự chi phối các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
* Sửa đổi căn bản, toàn diện Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành
Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu Quốc hội nghe Chính phủ trình dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
Tờ trình dự án nêu rõ việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm xây dựng Bộ luật thực sự khoa học, tiến bộ, có tính khả thi cao; là công cụ pháp lý sắc bén để đấu tranh hữu hiệu với mọi loại tội phạm, tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định.
Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân; cụ thể hóa các trình tự, thủ tục để người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm luật định, hạn chế tối đa các quy định chung chung, phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành.
Phạm vi sửa đổi Bộ luật lần này được xác định là sửa đổi căn bản, toàn diện. Dự thảo Bộ luật có tổng số 486 điều, được bố cục thành 9 phần, 38 chương. So với Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành năm 2003, dự thảo Bộ luật tăng thêm 140 điều. Trong đó, bổ sung 172 điều mới, sửa đổi 294 điều, giữ nguyên 20 điều, bãi bỏ 26 điều.
(Theo TTXVN)
;