Quốc hội thông qua Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi)

Thứ Năm, 25/06/2015, 14:20 [GMT+7]
    Tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIII, ngày 24-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) với tỷ lệ 87,85% đại biểu Quốc hội tán thành.
 
    Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 9 chương, 73 điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên nhà nước; quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước.
 
Quốc hội thông qua Luật kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)
Quốc hội thông qua Luật kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)
    Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) quy định cụ thể giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán tại điều 7. Cụ thể, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là căn cứ để Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định và giám sát việc thực hiện: mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển inh tế - xã hội dài hạn và hàng năm của đất nước; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Đồng thời, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là căn cứ để Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ của mình; Hội đồng nhân dân sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán, phân bổ và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo thẩm quyền.
 
    Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) cũng đã quy định Tổng Kiểm toán nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước. Tổng Kiểm toán nhà nước do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước là 5 năm theo nhiệm kỳ của Quốc hội, được bầu lại nhưng không quá hai nhiệm kỳ.
 
    Ngoài ra, Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) quy định thời hạn của một cuộc kiểm toán không quá 60 ngày; trường hợp phức tạp, cần thiết kéo dài thời hạn kiểm toán thì Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định gia hạn một lần, thời gian gia hạn không quá 30 ngày.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2016.
                                                                                  Hồng Thương
                                                                              (Văn phòng Quốc hội)
;
.