Quốc hội thông qua Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi)
Thứ Hai, 29/06/2015, 10:27 [GMT+7]
Ngày 25-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 4 luật gồm: Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật an toàn, vệ sinh lao động; Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Đối với Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi), có 442 đại biểu (89,47% tổng số đại biểu Quốc hội) bấm nút tán thành. Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi) gồm 7 chương, 77 điều. Một trong những nội dung đáng chú ý là Luật đã quy định khá cụ thể về nội dung, hình thức, thời hạn công khai ngân sách. Theo đó, nội dung công khai ngân sách nhà nước bao gồm: số liệu và báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân, dự toán đã được cấp có thẩm quyền quyết định, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách nhà nước; kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; trừ số liệu chi tiết, báo cáo thuyết minh thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia.
Đại biểu Quốc hội biểu ấn nút biểu quyết thông qua dự án luật |
Về phạm vi ngân sách nhà nước, theo quy định của Luật, các khoản thu ngân sách nhà nước, bao gồm: toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí. Toàn bộ các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện, trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ; các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước cho Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương. Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước, Luật quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật thì được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện. Việc ban hành chính sách thu ngân sách phải bảo đảm nguyên tắc cân đối ngân sách trong trung hạn, dài hạn và thực hiện các cam kết về hội nhập quốc tế.
Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân gồm 10 chương, 98 điều, với 90,89% ý kiến tán thành trên tổng số đại biểu có mặt.
Luật quy định số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.
Số lượng giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cũng như cấp xã bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng xác định thời gian bỏ phiếu bắt đầu từ 7h đến 19h cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21h cùng ngày.
Quốc hội thông qua luật Tài nguyên môi trường, biển và hải đảo với 452 đại biểu tán thành (91,50% tổng số đại biểu có mặt). Luật có 10 chương, 81 điều quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam. Các hoạt động nghiêm cấm khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo trên được phép tiến hành trong các trường hợp: phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh của Nhà nước Việt Nam; thực hiện công tác quản lý nhà nước. Phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, điều tra, khảo sát, đánh giá về các điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; thực hiện chương trình, đề án, dự án của Nhà nước. Phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Các trường hợp khác được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Cũng trong sáng 25-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động. Luật này quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động..
Hồng Thương
(Văn phòng Quốc hội)
;