Đại hội Đảng XII: Thực hiện đồng bộ giải pháp phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 26/01/2016, 13:38 [GMT+7]
    Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng đã xác định: "Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Các cấp ủy Đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị phải kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí."
 
    Bên lề Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nhiều đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của phòng, chống tham nhũng và đề nghị cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng xã hội và người dân để công tác này có hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. 
 
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12
    Đại biểu Lê Hoàng Phụng (Đoàn đại biểu Đảng bộ Lâm Đồng) đánh giá Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu hết sức tổng quát về những kết quả phòng, chống tham nhũng đã được thực hiện trong thời gian qua. 
 
    Qua nghiên cứu báo cáo chung cho thấy, Việt Nam đã có những nỗ lực lớn trong phòng, chống tham nhũng, nhưng thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác này. Đó chính là mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân và là một trong những nhiệm vụ của các tổ chức, cơ sở Đảng phải tập trung thực hiện. 
 
    Đại biểu Nguyễn Văn Công (Đoàn đại biểu Đảng bộ Đồng Tháp) nhận định công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực nhưng so với mong muốn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, vẫn chưa đạt được yêu cầu. Để làm tốt công tác này, cần kiểm soát được thu nhập của cán bộ, nhất là những cán bộ phụ trách những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến kinh tế. 
 
    Đại biểu đề xuất cần làm thực chất hơn, tốt hơn việc kê khai, minh bạch tài sản; theo dõi, đánh giá cán bộ, nhất là những cán bộ giàu lên bất thường; đồng thời cần có những biện pháp quyết liệt hơn trong việc xử lý, kê khai tài sản. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, để mỗi người điều chỉnh suy nghĩ, hành động của mình. 
 
    Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Việt Dũng (Đoàn đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận, để phòng, chống tham nhũng, điều quan trọng nhất là cần công khai, minh bạch; tăng cường sự tham gia của xã hội vào việc hoạch định cũng như thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. 
 
    Đại biểu phân tích: Kê khai tài sản là việc nhiều nước trên thế giới đã và đang làm. Điều quan trọng nhất là phòng ngừa tham nhũng, muốn phòng ngừa được tham nhũng phải kê khai tài sản, thu nhập; đồng thời tăng cường sự tham gia của xã hội trong tất cả các dự án, quy hoạch, chính sách... sẽ có hiệu quả cao hơn. 
 
    Đại biểu Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng để phòng, chống tham nhũng cần hết sức kiên trì, bởi một bên giấu giếm, một bên tìm kiếm, đối tượng tham nhũng không tự lộ diện. Để làm tốt công tác này có thể nhờ đến sự giám sát của người dân, khi thấy có đảng viên vi phạm có thể báo tin cho tổ chức Đảng. 
 
    Thiếu tướng Trương Giang Long (Đảng bộ Công an Trung ương) nêu rõ: Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng, Đảng ta với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước nhân dân đã thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót khuyết điểm của mình. Điều này làm cho nhân dân và cán bộ, đảng viên tin, kỳ vọng vào Đảng ta nhiều hơn. 
 
    Việc cần thiết là kiên quyết, kiên trì, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Muốn vậy, không chỉ cần đấu tranh chống tham nhũng, mà quan trọng là phòng ngừa tham nhũng; nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên; có những giải pháp để giáo dục, phòng ngừa, bảo đảm không có những cán bộ, đảng viên sai phạm. Bên cạnh đó, Đảng ta phải bằng những hành động thực tiễn, để dân thấy, dân tin. Nếu dân tin, dân ủng hộ, nhất định sự nghiệp đổi mới của Đảng sẽ thành công. 
 
    Thiếu tướng Trương Giang Long nhấn mạnh: Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, việc đầu tiên là phải phát huy cao nhất trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên; đồng thời cần xây dựng hệ thống pháp lý đủ mạnh, đủ chặt chẽ để không có cơ hội tham nhũng. Cùng với giáo dục, thuyết phục, răn đe, cảnh báo tham nhũng, cần có những giải pháp nghiêm để xử lý.
 
    Điều quan trọng là tất cả các giải pháp này đều phải đặt dưới sự giám sát của nhân dân, dựa vào nhân dân. Việc gì nhân dân giúp nhiều thì thành công nhiều, nhân dân giúp ít thì thành công ít. Đảng ta có tài sản vô cùng quý giá phải giữ gìn, phát huy trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, đó là tình cảm, sự chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân. Vì vậy, phải phát huy các kênh thông tin, tăng cường tiếp thu ý kiến của nhân dân trong tố giác, đấu tranh phòng, chống tham nhũng - Thiếu tướng Trương Giang Long khẳng định./.
Vũ Tiến Dũng
(TTXVN)
;
.