Đánh giá thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng

Thứ Sáu, 09/12/2016, 16:53 [GMT+7]
    Ngày 08-12, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Văn phòng Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức Hội nghị bàn tròn chu trình đánh giá thứ hai về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).
 
    Chu trình thứ hai tập trung đánh giá việc thực hiện Chương II về các biện pháp phòng ngừa và Chương V về thu hồi tài sản tham nhũng.
 
    Tại Hội nghị, các chuyên gia đánh giá, thời gian qua, Việt Nam đã có những tiến triển đáng kể trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. “Tham nhũng là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế của xã hội thế giới. Ước tính có khoảng 2,6 nghìn tỷ USD đang bị đánh cắp hàng năm thông qua tham nhũng - một khoản tiền tương đương với hơn 5% của GDP toàn cầu”, ông Francesco Checchi, cố vấn về phòng, chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của UNODC thông tin.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Ở các nước đang phát triển, theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, ước tính số tiền bị thất thoát do tham nhũng bằng khoảng 10 lần số ngân sách dành cho viện trợ phát triển chính thức... UNODC cho rằng, nhổ tận gốc nạn tham nhũng đã trở nên vô cùng quan trọng. “Tất cả chúng ta đều có phần liên quan trong cuộc chiến chống tham nhũng. Chúng tôi mong muốn có sự thống nhất, sự tham gia của Chính phủ, khu vực tư nhân, người dân, phương tiện thông tin đại chúng để chống lại tham nhũng”, ông Francesco Checchi nói và nhấn mạnh lại một lần nữa: Tham nhũng kìm hãm sự phát triển, tước đi sự thịnh vượng, các quyền, các dịch vụ, việc làm của người dân.
 
    Giai đoạn 2006-2016, Việt Nam không ngừng hoàn thiện thể chế, tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, gắn trách nhiệm người đứng đầu để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, trong đó xác định phòng ngừa là “trụ cột căn bản”, thu hồi tài sản tham nhũng là “mục tiêu thiết yếu”. Trong giai đoạn này, 918 người đứng đầu đã bị xử lý về việc thiếu trách nhiệm dẫn đến tham nhũng, trong đó có 800 người bị xử lý kỷ luật, 118 người bị xử lý hình sự.
 
    Tuy nhiên, một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý, vẫn còn tình trạng bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh, cũng như xuất hiện tình huống xung đột lợi ích của người đứng đầu. 
 
    Thực tế cũng cho thấy, có những vụ án mà hành vi tham nhũng đã thực hiện nhiều năm trước, số tiền tham nhũng đã sử dụng các mục đích khác nhau, tiêu xài cá nhân hoang phí nên đến khi có xét xử, rõ bản án thì tài sản không còn. Để tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng, theo lãnh đạo Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi sẽ quy định bổ sung quyền hạn cho các cơ quan chức năng nhằm kiểm soát tài sản, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán, che giấu hoặc chuyển dịch tài sản tham nhũng. Cùng với đó, bổ sung quy định về kiểm soát xung đột lợi ích; thanh toán qua tài khoản các khoản chi lớn…
                                                                                        Hương Giang
;
.