Học tập, thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam

Thứ Bảy, 15/04/2017, 13:17 [GMT+7]
    Ngày 10-4-2017, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Chỉ thị số 120/CT-HNB về tổ chức học tập, thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
 
    Chỉ thị nêu rõ, phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam; nhanh chóng đưa 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam vào thực tiễn hoạt động báo chí; thiết thực thực hiện Chương trình hành động của Hội Nhà báo Việt Nam, thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TƯ ngày 30-10-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ; Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam yêu cầu các cấp Hội Nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện tốt các nội dung:
 
Hội Báo toàn quốc năm 2017
Hội Báo toàn quốc năm 2017
    Các cấp Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức cho toàn thể hội viên và người làm báo học tập nghiêm 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, đồng thời tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Luật báo chí 2016, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Chú trọng phân tích, thảo luận những điểm mới, những nội dung thường gặp, những nội dung dễ mắc sai phạm trong tác nghiệp báo chí.
 
    Trung ương Hội, Hội Nhà báo cấp tỉnh, Liên chi hội, Chi hội trực thuộc cần triển khai ngay việc thực hiện Quyết định số 533/QĐ-HNBVN và 534/QĐ-HNBVN ngày 30-3-2017 của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cũng như Quy chế làm việc của Hội đồng. Đây là công việc quan trọng và có tính chất quyết định, yêu cầu các cấp Hội thực hiện nghiêm, giúp cho việc thực hiện tốt Luật Báo chí và Quy định đạo đức nghê nghiệp.
 
    Mỗi cơ quan báo chí, từng tổ chức Hội trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của mình, tiếp tục bổ sung, xây dựng và thực hiện Nội quy, Quy chế, Quy ước riêng nhằm cụ thể hóa việc thực hiện 10 Quy định chung về đạo đức nghề nghiệp. Các tổ chức Hội cần chủ động báo cáo cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội nhằm tạo sự ủng hộ và giúp đỡ; cần có hình thức phù hợp tranh thủ đồng thuận từ công chúng báo chí...
 
    Cùng với việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, tổ chức Hội cần chú ý kiện toàn và đưa công tác kiểm tra của Hội vào nền nếp, đạt hiệu quả, chất lượng; tiến hành tập huấn nghiệp vụ thường xuyên và nắm vững 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam để hướng dẫn, ngăn chặn và xử lý sai phạm nghiêm túc, chính xác.
 
    Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đề cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác 2017 và cả nhiệm kỳ 2015-2020.
 
    Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam kêu gọi toàn thể giới báo chí và hội viên tích cực học tập và thực hiện tốt 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, cùng nhau xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, góp phần tích cực và xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
An Thịnh
;
.