Góp ý với Dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính

Thứ Tư, 30/08/2017, 17:43 [GMT+7]
    Sáng 29-8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì Hội thảo lấy ý kiến góp ý với Dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Hội thảo còn có sự tham dự của Chuyên gia cao cấp Oxfam, cơ quan hợp tác phát triển Vương quốc Bỉ tại Việt Nam; đại diện thành viên Ban soạn thảo Nghị định, đại diện 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
    
    Việc xây dựng Nghị định được thực hiện trên cơ sở điều chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính và chủ trì triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính từ Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ sang Văn phòng Chính phủ và nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01-01-2017 của Chính phủ giao VPCP chủ trì nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và tổ chức triển khai thực hiện sau Nghị định được Chính phủ ban hành.
 
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
    Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Trưởng ban soạn thảo Nghị định nhấn mạnh, quyết tâm của Chính phủ là xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính. Trong đó, một Chính phủ kiến tạo là Chính phủ tập trung xây dựng thể chế, thượng tôn pháp luật. Trong năm qua, việc rà soát tất cả các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, tập trung những vấn đề liên quan đến thể chế, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính...
 
    Mục tiêu là thay vì Chính phủ quản lý Nhà nước chuyển sang Chính phủ lấy đối tượng người dân, doanh nghiệp để phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân được tháo gỡ.
    
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, lần đầu tiên Chính phủ không nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Trong 3 tháng 2016, Chính phủ đã tập trung xây dựng 49 Nghị định thực hiện luật đầu tư, tập trung điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp. Cùng với đó là quá trình cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực, bãi bỏ thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; vấn đề thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được triển khai và coi đây là một trong những giải pháp đổi mới phương pháp làm việc của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
 
    Tuy nhiên nhìn lại quá trình giải quyết thủ tục hành chính trong hơn một năm qua, thấy rằng tuy đã có những kết quả ban đầu nhưng để đạt được mong muốn của người dân và doanh nghiệp thì cần sự cố gắng lớn hơn nữa của cơ quan hành chính các cấp.
 
    Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, hiện nhìn nhận còn 5 tồn tại lớn: Thứ nhất, việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở nhiều địa phương còn lúng túng, trong quá trình tổ chức thực hiện còn thủ công và thiếu kiên nhẫn, đôi khi còn mang nặng tính thủ tục.
 
    Thứ hai, vấn đề quan trọng khi liên quan đến việc lựa chọn cán bộ, công chức làm tại bộ phận Một cửa ở một số nơi chưa tương xứng vị trí.
 
    Thứ ba, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ở nhiều địa phương còn thấp, còn tình trạng quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính, vẫn còn tình trạng người dân, doanh nghiệp còn phải đi lại nhiều lần.
 
    Thứ 4, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin còn rất thấp. Chính vì vậy, tới đây Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan tập trung xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó có cơ sở dữ liệu quốc gia, cấp phép doanh nghiệp, dân cư và các số liệu thống kê khác...
 
    Thứ 5, cơ sở pháp lý thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông về tính pháp lý cần nâng lên Nghị định. Vì vậy, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Hội thảo lấy ý kiến bộ ngành địa phương để xây dựng Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến tại khu vực miền Trung và miền Nam.
 
    Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị các đại biểu làm rõ thêm 5 điểm: 1) Cần làm rõ về nguyên tắc lấy cá nhân, tổ chức làm trung tâm phục vụ với tinh thần công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. 2) Cho ý kiến về mở rộng một cửa, một cửa liên thông tại tất cả cơ quan hành chính nhà nước bao gồm cả Bộ, ngành, địa phương; 3) Nâng cấp, hoàn thiện về vận hành bộ phận Một cửa, đặt bộ phận Một cửa; 4) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và 5) Cho ý kiến về quy phạm hoá công tác đánh giá chất lượng cơ quan quản lý nhà nước, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ.
 
    Nghị định khi được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để triển khai có hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương và địa phương; về cách thức tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; về tổ chức và hoạt động của bộ phận Một cửa tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp; về Cổng dịch vụ công quốc gia và các hệ thống thông tin một cửa điện tử giải quyết thủ tục hành chính và cơ chế bảo đảm, kiểm tra, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính ở các cơ quan hành chính Nhà nước.
 
    Nêu ví dụ cụ thể việc giải quyết thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin tại Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết, Văn phòng Chính phủ quyết tâm đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin. Mỗi một tháng, Văn phòng Chính phủ nhận được khoảng 14-15 nghìn văn bản từ các bộ, ngành, địa phương chuyển đến. Trong xử lý văn bản để lập hồ sơ chiếm khoảng 65%-66%, văn bản khi được chuyển đến Văn phòng Chính phủ được nhập dữ liệu sau đó chuyển đến các vụ, cục, đơn vị trực thuộc.
 
    Hồ sơ văn bản nhận được tại Văn phòng Chính phủ được tính từ ngày văn thư nhận và chuyển đến các Vụ, cục, đơn vị. Hồ sơ nếu chậm trả lời các Bộ, ngành, địa phương được lưu cụ thể trong hệ thống của Văn phòng Chính phủ. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, năm 2016, Văn phòng Chính phủ đã kiểm tra nhiều lần việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Khi kiểm tra nếu có tình trạng để chậm trễ, "quên" xử lý 2 lần sẽ bị chuyển công tác.
                                                                                  Lê Sơn
                                                                           (Báo Chính phủ)
;
.