Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho ý kiến vào các Báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội
Thứ Năm, 28/09/2017, 17:22 [GMT+7]
Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2017, Chính phủ đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu, tập huấn về Hiến pháp. Tổ chức rà soát, lập danh mục đề xuất văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Tổ chức xây dựng các dự án luật, pháp lệnh để thi hành Hiến pháp; trong đó đã trình Quốc hội thông qua 13/14 dự án luật, nghị quyết, cho ý kiến đối với 05/05 dự án khác. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, kịp thời phản ứng chính sách, giải quyết các vấn đề thực tiễn phát sinh trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm phù hợp với nội dung Hiến pháp năm 2013.
Quang cảnh Phiên họp |
Đội ngũ những người làm công tác pháp chế và phổ biến, giáo dục pháp luật đã từng bước được củng cố, kiện toàn. Tính đến đầu năm 2017, số người làm công tác pháp chế ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 2.708 người; ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh là 2.163 người. Tổng số báo cáo viên pháp luật của Trung ương và địa phương là 23.992 người.
Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, tính từ tháng 10/2016 đến 8/2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ xây dựng, ban hành 225 văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh. Việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết trong thời gian qua đã được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; 34/84 văn bản quy định chi tiết được ban hành có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của luật, chiếm tỷ lệ 40,47%. Công tác kiểm soát chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được các bộ, cơ quan ngang bộ quan tâm. Nội dung văn bản đã bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, đảm bảo tính hợp hiến và cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, các Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập, cụ thể: Còn thiếu sự kết nối, hỗ trợ chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu, tập huấn về nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp năm 2013 với hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Hiến pháp năm 2013. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc cập nhật kết quả rà soát và xử lý văn bản còn chậm. Vẫn còn dự án luật rút ra khỏi Chương trình hoặc lùi thời hạn trình. Chất lượng chuẩn bị một số dự án luật còn chưa cao. Tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết cơ bản đã được khắc phục nhưng chưa triệt để, số văn bản nợ ban hành đến nay vẫn còn 13 văn bản.
Đánh giá Báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, coi việc triển khai thi hành Hiến pháp, xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác của Chính phủ. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, Báo cáo còn nặng về liệt kê các công việc đã làm, chưa đi sâu phân tích, làm rõ tổng thể, đầy đủ những công việc mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện; chưa có sự đánh giá một cách tổng thể, toàn diện về nhu cầu xây dựng pháp luật phục vụ cho việc triển khai thi hành Hiến pháp để từ đó xác định ưu tiên cho công tác xây dựng pháp luật. Báo cáo chưa phân tích rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chưa bảo đảm đúng tiến độ trình văn bản, chậm xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Hiện vẫn còn 19 dự án, trong đó có 11 dự án đã quá hạn phải ban hành. Báo cáo cũng chưa làm rõ thực trạng và nguyên nhân của công tác thi hành pháp luật. Tình hình vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí chậm được khắc phục; nhiều vụ án lớn đang được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý; tai nạn giao thông, cháy nổ, khai thác tài nguyên trái phép; vi phạm quản lý đất đai, xây dựng; tình trạng buôn lậu... là những tồn tại, hạn chế đang diễn ra, gây nhiều bức xúc đòi hỏi các cơ quan thực thi pháp luật phải khẩn trương có những biện pháp ứng phó kịp thời, xử lý nghiêm minh, bảo đảm thực thi đúng pháp luật.
Qua theo dõi Phiên họp cho thấy, đa số ý kiến tập trung phản ánh các vấn đề liên quan đến việc tổ chức thực hiện pháp luật trên thực tế: Các sáng kiến, kiến nghị xây dựng luật dù nhiều nhưng chậm được nghiên cứu, bổ sung xây dựng, nhất là pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật là khâu yếu nhất hiện nay. Tình trạng vi phạm pháp luật phổ biến, không chỉ người dân mà cả đối với cán bộ, công chức nhà nước. Nhiều quy định pháp luật không thi hành được trên thực tế (ví dụ như Luật phòng, chống tác hại thuốc lá - chưa phạt được ai hút thuốc lá nơi công cộng); nhiều vấn đề nổi lên từ thực tiễn nhưng chưa có văn bản pháp luật xử lý giải quyết (việc đánh chết người trộm chó, cho vay thế chấp, đòi nợ thuê). Luật Tổ chức chính quyền địa phương mặc dù đã có Nghị định hướng dẫn nhưng chưa hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của Văn phòng HĐND cấp huyện và bộ phận giúp việc của HĐND cấp xã. Việc ban hành luật nhưng không xây dựng văn bản quy định chi tiết đi kèm sẽ dẫn đến sự chậm trễ trong thi hành luật trên thực tế. Do đó, các ý kiến đề nghị cần làm rõ nguyên nhân của việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa kịp thời, chưa sát với nhu cầu của đối tượng liên quan và hướng khắc phục. Xem xét, xử lý trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chưa ban hành, ban hành chậm, thậm chí ban hành các văn bản trái luật. Kiên quyết không đề nghị Quốc hội đưa vào Chương trình các dự án mà hồ sơ chuẩn bị sơ sài, không bảo đảm chất lượng, đánh giá tác động không đầy đủ, không thuyết phục; dự án không bảo đảm tiến độ, không bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Nguyễn Phương Thảo
;