Kết quả 5 năm thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính
Thứ Ba, 21/11/2017, 16:25 [GMT+7]
Sau 5 năm thi hành, Luật xử lý vi phạm hành chính đã khẳng định vai trò trong đời sống kinh tế, chính trị, pháp lý của đất nước; là một trong những đạo luật được áp dụng nhiều nhất trong thực tiễn đời sống thông qua số lượng việc xử lý vi phạm hành chính rất lớn. Ngoài Luật xử lý vi phạm hành chính, đã có cả hệ thống pháp luật đồ sộ về xử lý vi phạm hành chính được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật trong lĩnh vực này. Sau 5 năm, bộ máy cán bộ làm công tác xử lý vi phạm hành chính bước đầu hình thành từ Trung ương đến địa phương. Việc quán triệt, phổ biến, triển khai thi hành luật được thực hiện nghiêm túc, bài bản…
Hội nghị Tổng kết 5 năm thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính do Bộ Tư pháp tổ chức |
Trên cơ sở Luật, Nghị quyết Quốc hội ban hành, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành ban hành đầy đủ và kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn luật, rà soát, sửa đổi bổ sung các Nghị định, thông tư liên quan để hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tạo nên hệ thống chế tài đủ sức răn đe, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực chuyên ngành. Tính đến hết ngày 30-9-2017, Chính phủ đã ban hành tổng số 92 Nghị định (trong đó có 9 nghị định đã hết hiệu lực toàn bộ) và 67 thông tư liên tịch nhằm triển khai Luật xử lý vi phạm hành chính hiệu quả.
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết luật được chú trọng. Sau khi Luật được ban hành và có hiệu lực, hầu hết việc kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ được tổ chức thực hiện dưới hình thức lồng ghép với các chuyên đề theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực cụ thể hoặc các cuộc thanh tra hành chính. Tuy nhiên, cũng có một số Bộ đã xây dựng kế hoạch kiểm tra riêng việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Thông qua hoạt động kiểm tra, các Bộ đã nắm bắt, đánh giá thực trạng tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực mình quản lý cũng như những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nhằm khắc phục hạn chế của công tác xử lý vi phạm hành chính, góp phần xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Các địa phương cũng rất quan tâm thực hiện, thường xuyên đôn đốc làm tốt chức năng hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật để ngăn chặn và cương quyết xử lý dứt điểm, triệt để mọi hành vi vi phạm ngay từ khi mới phát sinh.
Sau 5 năm thi hành, công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tại Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật có 22 biên chế quản lý hành chính được giao, 7 biên chế sự nghiệp, 1 lao động theo hợp đồng. Ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ về cơ bản đã giao Vụ Pháp chế là đơn vị đầu mối triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, cử từ 1 đến 3 cán bộ thực hiện công tác này. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ này còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều công việc.
Đáng chú ý, ở địa phương, đến nay đã có đến 60/63 tỉnh, thành phố thành lập phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp. Đánh giá của Bộ Tư pháp cho thấy đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ tham mưu về công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính tại các bộ, ngành, địa phương đa số đều có trình độ Đại học, chủ yếu là ngành luật, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Tính từ năm 2014 tới giữa năm 2017, số vụ vi phạm hành chính đã phát hiện là 36.789.227 vụ việc, tổng số vụ đã xử phạt là 28.493.927 vụ việc.
Nhìn chung, các vụ việc vi phạm xảy ra cơ bản đã được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục theo quy định, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý của nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương; tỷ lệ số vụ việc đã bị xử phạt so với số vụ việc đã bị phát hiện ngày càng tăng, từ 66% vào năm 2014 lên 95% vào năm 2017; đa số những đối tượng có hành vi vi phạm đều nhận thức được hành vi vi phạm của mình, có ý thức chấp hành nghiêm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Về tình hình áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là 57.311 đối tượng, tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính là 53.164 đối tượng.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận còn nhiều khó khăn, vướng mắc như việc xây dựng văn bản quy định chi tiết liên quan đến nhiều bộ, ngành đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, cán bộ công chức thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính là kiêm nhiệm… Đặc biệt, Luật xử lý vi phạm hành chính còn nhiều bất cập, một số thuật ngữ quy định còn mang tính định tính, chưa rõ ràng nên việc áp dụng còn chưa thống nhất; việc quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền làm phát sinh nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới bị dồn lên cấp trên giải quyết, không bảo đảm tính kịp thời; một số quy định về các biện pháp xử lý hành chính cũng còn nhiều bất cập…
Từ những hạn chế này, Bộ Tư pháp đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt, trình tự, thủ tục xử phạt xử lý vi phạm hành chính nhằm rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật của các lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt; đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, tạo thuận lợi cho cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính…
Thu Hương
(Bộ Tư pháp)
;