Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về 6 Luật
Thứ Sáu, 15/12/2017, 14:43 [GMT+7]
Sáng 14-12, Văn phòng Chủ tịch Nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về 6 Luật Quốc hội vừa thông qua tại Kỳ họp thứ Tư, gồm: Luật lâm nghiệp; Luật thủy sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật quản lý nợ công; Luật quy hoạch.
Hài hòa lợi ích Nhà nước, chủ rừng, cá nhân hoạt động lâm nghiệp
Luật lâm nghiệp năm 2017 có 12 chương với 108 điều, tăng 4 chương và 20 điều so với Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004. Đây là luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước thu hút được sự quan tâm rộng rãi của nhân dân, đặc biệt những người làm nghề rừng.
Luật quy định rõ các nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp. Đó là, rừng được quản lý bền vững về diện tích và chất lượng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp; bảo đảm tổ chức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng. Bảo đảm công khai, minh bạch, sự tham gia của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan trong hoạt động lâm nghiệp... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.
Luật thủy sản năm 2017 gồm 9 chương, 105 điều, giảm 1 chương và tăng 43 điều so với Luật thủy sản năm 2003. Về cơ bản, giữ nguyên tên chương của Luật thủy sản năm 2003, trong đó thay đổi về kết cấu, như bổ sung một chương kiểm ngư nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam.
Những nội dung mới của Luật thủy sản là quy định về hội đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quy hoạch về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản; quy định về Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và khuyến khích thành lập quỹ cộng đồng; về nuôi trồng thủy sản; cấp phép khai thác thủy sản; quản lý tàu cá, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; quy định về xã hội hóa đăng kiểm tàu cá; về cảng cá; nội luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định trong đó có khuyến nghị của Ủy ban châu Âu… Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.
Quang cảnh buổi họp báo |
Bộ Tài chính là đầu mối về quản lý nợ công
Luật quản lý nợ công gồm 10 chương, 63 điều, quy định về hoạt động quản lý nợ công bao gồm huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công. Luật đã kế thừa những ưu điểm, mặt tích cực của Luật quản lý nợ công năm 2009 đã được áp dụng ổn định, khắc phục tồn tại, hạn chế phát sinh.
Những nội dung cơ bản của Luật như nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nợ công; chỉ tiêu an toàn nợ công, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm; quản lý việc huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ của Chính phủ; quản lý cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; quản lý nợ cả chính quyền địa phương, bảo đảm khả năng trả nợ công. Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2018.
Luật quy hoạch gồm 6 chương, 59 điều và 3 Phụ lục, Luật là bước đột phá trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo hướng Nhà nước kiến tạo và phục vụ, trong đó xác định quy hoạch là công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhằm giảm bớt gánh nặng đầu tư công.
Luật đã quy định về hệ thống quy hoạch và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, về nguyên tắc chủ yếu trong hoạt động quy hoạch, nội dung quy hoạch; tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; thẩm quyền thẩm định và phê duyệt quy hoạch; trách nhiệm quản lý nhà nước và thông tin quy hoạch… Luật có hiệu lực chậm nhất từ ngày 1-1-2019.
Bổ sung các biện pháp can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng đã bổ sung điểm g, khoản 28, Điều 4, quy định pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xác định theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, giám sát đối với từng trường hợp cụ thể.
Luật cũng bổ sung khoản 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39 và 40 vào Điều 4. Cụ thể, quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, phương án chuyển giao bắt buộc, biên nhận chuyển giao, tổ chức tín dụng hỗ trợ.
Luật có hiệu lực từ ngày 15-1-2018. Để triển khai thi hành Luật, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật này để có thể ban hành trong thời gian sớm nhất. Ngân hàng Nhà nước dự kiến cũng sẽ tổ chức Hội nghị phổ biến các nội dung cơ bản của Luật trong toàn ngành.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1-7-2018.
Luật sửa đổi bổ sung các khoản 4, 5, 7, 8 vào Điều 8 như sau, cấp gia hạn, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hộ chiếu, giấy thông hành và giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật; cấp bổ sung, hủy bỏ thị thực, cấp, thu hồi, hủy bỏ giấy miễn thị thực của Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật; thực hiện nhiệm vụ công chứng, chứng thực phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên, tiếp nhận và bảo quản giấy tờ, tài liệu và đồ vật có giá trị của công dân, pháp nhân Việt Nam khi có yêu cầu phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với pháp luật của quốc gia tiếp nhận; hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu của nước ngoài và chứng nhận lãnh sự giấy tờ, tài liệu của Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật…
Hoàng Ngọc
;