Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Thứ Ba, 17/04/2018, 15:44 [GMT+7]
Sáng ngày 16-4, tiếp tục Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp.
Dự thảo Luật đã được quán triệt, thực hiện theo kết luận của Bộ Chính trị, tiếp thu chỉnh lý theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 20 và nhiều ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội. Tại phiên họp, UBTVQH đã thảo luận, tập trung vào một số nội dung chính như sau:
Quang cảnh Phiên họp |
1. Về tổ chức chính quyền địa phương
Các ý kiến đều nhất trí mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân với những đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm nhằm đảm bảo tính tin gọn, hiệu quả. Đồng thời, thống nhất tổ chức một Văn phòng giúp việc chung cho HĐND, UBND.
2. Về một số cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan đến đất đai
- Về thời hạn sử dụng đất: Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu nhưng không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Về miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước: Thu hẹp phạm vi các dự án được miễn tiền thuê đất cho cả đời dự án; rút ngắn thời hạn được hưởng ưu đãi so với dự thảo Luật trước đó.
- Về việc thu hồi đất: Đa số tán thành với việc quy định cụ thể các trường hợp Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thu hồi đất tại đặc khu để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm bảo đảm chặt chẽ, minh bạch; bổ sung thẩm quyền của HĐND đặc khu trong việc xem xét, chấp thuận việc thu hồi đất tại đặc khu trước khi Chủ tịch UBND đặc khu ra quyết định thu hồi đất; quy định rõ đối với dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino của nhà đầu tư chiến lược thì Nhà nước chỉ hỗ trợ về thủ tục thực hiện thu hồi đất để bảo đảm tiến độ dự án, còn tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng do nhà đầu tư chi trả.
3. Về ngành, nghề ưu tiên phát triển tại các đặc khu
Tại Phiên họp, đa số ý kiến tán thành với các quy định về ngành, nghề ưu tiên phát triển tại các đặc khu được thể hiện như trong dự thảo Luật và cho rằng, việc quy định cụ thể các ngành nghề ưu tiên này ngay trong dự thảo luật để hạn chế mở rộng nhằm bảo đảm nguyên tắc ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm, phát huy lợi thế của từng đặc khu. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, các danh mục ưu tiên còn trùng lắp, có điểm chưa hợp lý (ví dụ như Vân Đồn nên là khu vực thiên đường mua bán tự do, chế biến nông sản tự do, cửa ngõ giao thương, phát huy các loại hình du lịch sinh thoái, tâm linh, mua bán hàng hóa, giải trí casino… không nên phát triển công nghệ cao ở khu vực này.
4. Về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu
Đa số ý kiến tán thành với Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu gồm 130 ngành, nghề, tăng 22 ngành, nghề so với Danh mục Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
5. Về ngân sách và ưu đãi đầu tư
Dự thảo Luật quy định ngân sách đặc khu là một cấp ngân sách thuộc hệ thống ngân sách nhà nước, tương đương ngân sách cấp huyện để xác định nguồn thu, nhiệm vụ chi… Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần phân quyền mạnh mẽ hơn nữa về ngân sách cho đặc khu, ngân sách Trung ương cần tính toán để hỗ trợ trực tiếp cho ngân sách đặc khu mà không qua ngân sách cấp tỉnh, đồng thời, trong 10 năm không thu điều tiết mà để lại cho đặc khu để họ lấy nguồn lực để phát triển, nhưng đồng thời chính quyền đặc khu phải chịu trách nhiệm mọi khoản chi thường xuyên về y tế, giáo dục, lương bổng… tại đặc khu.
Về ưu đãi về thuế: Chính sách ưu đãi về thuế trong dự thảo Luật đã bảo đảm ưu đãi vượt trội so với quy định hiện hành và cạnh tranh được với các đặc khu kinh tế trên thế giới để thu hút đầu tư; phần lớn đều có thời hạn, áp dụng cho các dự án đầu tư thuộc các ngành, nghề ưu tiên phát triển và cần thiết để thu hút đầu tư trong giai đoạn đầu xây dựng các đặc khu. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, chính sách ưu đãi thuế không nên quá tràn lan, vì không bảo đảm được nguồn thu, nếu quy định không đúng có thể làm méo mó, biến dạng các chính sách thuế; hơn nữa, các chính sách ưu đãi nên theo từng thời kỳ, nếu quy định quá dài, lúc điều chỉnh sẽ khó, quy định trong thời gian ngắn thì qua quá trình thực hiện sẽ rút ra những đánh giá, tổng kết và điều chỉnh cho phù hợp. Mặc dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng, việc thay đổi các chính sách ưu đãi sẽ không tạo nên sự tin tưởng của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Ý kiến khác đề nghị không nên miễn thuế thu nhập cá nhân, chỉ giảm thuế này để tạo sự công bằng; thuế môi trường phải thu thật cao để bảo vệ môi trường, nhất là Phú Quốc; không nên có ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhà đầu tư trong nước để tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư.
Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)
;