Đoàn công tác của Ban Bí thư công bố kết quả kiểm tra đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông
Chủ Nhật, 16/09/2018, 14:19 [GMT+7]
Chiều 15-9-2018, Đoàn công tác của Ban Bí thư do đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Hội nghị công bố dự thảo kết quả kiểm tra việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) gắn với Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Đoàn kiểm tra; các đồng chí thành viên Đoàn kiểm tra là lãnh đạo một số Vụ chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương.
Quang cảnh Hội nghị |
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; các đồng chí trong Ban Cán sự Đảng và đại diện các đơn vị được kiểm tra thuộc Bộ.
Theo dự thảo Báo cáo, Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động đề ra các mục tiêu, giải pháp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và Kết luận số 64-KL/TW. Nội dung và các nhóm giải pháp nêu trong Nghị quyết đã được cụ thể hoá bằng các chương trình, kế hoạch, đề án, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện ở các cơ quan, đơn vị. Do vậy, tổ chức, bộ máy và biên chế các cơ quan, đơn vị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, tổ chức theo hướng tinh gọn hơn, đảm bảo thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định và phát triển.
Việc bố trí, sắp xếp cán bộ công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị cơ bản phù hợp trình độ chuyên môn, qua đó phát huy được năng lực, sở trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Hoạt động của cấp ủy đảng đã có nhiều chuyển biến tích cực, luôn giữ vững và phát huy được vai trò hạn nhân chính trị cơ sở.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại Hội nghị |
Công tác quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị có sự chuyển biến rõ nét; các đoàn thể đã bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, tập trung đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; thực hiện hiệu quả chức năng giám sát và phản biện xã hội; tạo cơ sở để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề ra.
Theo Kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2016-2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2021, Bộ phấn đấu đạt mục tiêu tinh giản tối thiểu 10% biên chế công chức, viên chức. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các nội dung về: Xác định biên chế và quản lý biên chế công chức, viên chức; lập kế hoạch biên chế công chức hằng năm, điều chỉnh biên chế công chức; quyết định biên chế công chức; phân bổ, sử dụng biên chế công chức; hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý biên chế, thống kê, tổng hợp và báo cáo về biên chế công chức.
Kết quả thực hiện, trong năm 2016 giảm 09 biên chế công chức, 10 biên chế sự nghiệp; năm 2017, giảm 11 biên chế công chức, 17 biên chế sự nghiệp của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP cho 11 người (01 công chức và 10 viên chức).
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương ghi nhận, biểu dương sự cố gắng của Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông trong triển khai Quyết định, Kế hoạch kiểm tra, chuẩn bị chu đáo báo cáo tự kiểm tra; chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng liên quan chuẩn bị nội dung, tài liệu, phối hợp tốt với Đoàn kiềm tra. Thời gian tới, đồng chí lưu ý: (1) Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, cần có phương pháp đánh giá khách quan và cơ chế phù hợp để khuyến khích, đảm bảo lợi ích cho người lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế. Chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để hoàn thành việc xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án theo Kế hoạch của Bộ đã đề ra; tổng kết, rút kinh nghiệm các mô hình thí điểm, những nơi làm tốt để nhân rộng; (2) Chỉ đạo khẩn trương soát, sửa đổi, bổ sung về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị của Bộ, đảm bảo thống nhất, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ; rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối, giảm số lượng cục, vụ, phòng của Bộ; sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; kiên quyết giải thể, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập; kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập về an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động thông tin và truyền thông; (3) Khẩn trương rà soát hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt và tập trung tham mưu chỉ đạo thực hiện nghiêm, hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, định hướng thông tin báo chí, thông tin trên mạng Internet, sắp xếp lại hệ thống báo chí, tránh chồng chéo, dàn trải, buông lỏng quản lý, đảm bảo phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thông tin đa dạng của nhân dân; (4) Tiếp tục đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công. Chuyển một số dịch vụ công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; tăng cường phân cấp, giao quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công; (5) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Thông tin và Truyền thông, nhất là quản lý báo điện tử, thông tin trên mạng xã hội, kiểm soát, định hướng thông tin, tuyên truyền, đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những tiêu cực, sai phạm trong các lĩnh vực này; (6) Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thông tin và Truyền thông để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, những người làm báo phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh, có đủ trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, không để bị mua chuộc bởi các thế lực xấu, thù địch.
Đặng Phước