Bộ Nội vụ: Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thứ Hai, 15/02/2021, 05:34 [GMT+7]
    Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ vừa ban hành Nghị quyết số 269-NQ/BCSĐ về tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
 
    Theo đó, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng cùng cấp thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
    Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Theo đó, các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao đạo đức cách mạng, rèn luyện đức tính liêm khiết, biết tự trọng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh, cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu thực hiện.
 
Bộ Nội vụ ban hành Nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Bộ Nội vụ ban hành Nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí
    Tiếp tục đẩy mạnh thục hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI, Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị của Bộ về nguy cơ đe dọa trực tiếp tới sự tồn vong của Đảng và chế độ nếu không ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Bộ Nội vụ.
 
    Đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 
 
    Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế và các quy định, quy chế của Bộ về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là trên các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí.
 
    Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế của Bộ bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giải trình. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị, kiên quyết loại bỏ những cản trở về thể chế và thủ tục hành chính tạo sơ hở có nguy cơ làm phát sinh tham nhũng, lãng phí.
 
    Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ. Ban Cán sự đảng Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Bộ để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong Bộ Nội vụ theo đúng nghị quyết, quy định, kết luận, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý sai phạm; khi phát hiện cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, lãng phí hoặc có hành vi dung túng, bao che tham nhũng, lãng phí phải kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, nhất là đối với cán bộ chủ chốt. Đẩy mạnh việc phòng, ngừa “tham nhũng vặt” trong nội bộ. Thường xuyên rà soát, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những công chức, viên chức không đủ phẩm chất, đạo đức, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
 
    Thực hiện công tác cán bộ theo đúng; quy định, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng, quy hoạch cán bộ các cấp và luân chuyển một số công chức lãnh đạo hàng năm, trong đó chú trọng việc không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng. Thực hiện quy định danh mục vị trí công tác của Bộ Nội vụ phải định kỳ chuyển đổi…
 
    Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tập trung vào lĩnh vực quản lý nhà nước và trong nội bộ Bộ Nội vụ. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra công vụ để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật hành chính, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và của Bộ Nội vụ nói riêng, kịp thời phát hiện, uốn nắn, xử lý những hành vi tham nhũng, lãng phí của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
 
    Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị và chất lượng cán bộ, đảng viên làm công tác thanh tra, kiểm tra. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực thực thi công vụ của các cơ quan thanh tra, kiểm tra của Bộ và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy các cấp trong Bộ; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thanh tra, kiểm tra có bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự liêm chính, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân; có nghiệp vụ, bản lĩnh bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai, can ngăn những việc làm chưa đúng, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thanh tra, ủy ban kiểm tra các cấp. Khi thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về tham nhũng, lãng phí phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, nghiêm minh.
                                                                                       Thanh Tuấn
.