Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020

Thứ Hai, 15/02/2021, 00:49 [GMT+7]

    Ngày 12/12/2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020, Hội nghị đã đánh giá: Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (tháng 02/2013) đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng và Nhà nước; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành; sự tham gia tích cực của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, báo chí và Nhân dân, công tác PCTN đã có một bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, là dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thể hiện ở những kết quả sau đây:

    1. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tạo bước đột phá trong công tác PCTN. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN: “Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật”, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo điều tra, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; xử lý nghiêm minh, công khai cả cán bộ cao cấp, cả đương chức và đã nghỉ hưu có vi phạm liên quan các vụ án; khẳng định rõ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Phien họp thứ 18
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Phiên họp thứ 18

    Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng Ban Chỉ đạo, từ khi thành lập đến nay đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ (Cấp độ Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; cấp độ Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; cấp độ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý); trong đó, Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 86 vụ án/814 bị cáo, với mức án rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực. 

    2. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN.  Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tích cực, chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; tập trung vào đối tượng, lĩnh vực, địa bàn phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Nhất là, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó có 27 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 04 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Công tác thanh tra, kiểm toán được triển khai tương đối  toàn diện, trọng tâm là các lĩnh vực, dự án có thông tin, dư luận về tiêu cực, tham nhũng; nhất là đã tập trung thanh tra, kiểm toán, xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm tại nhiều dự án, vụ việc gây thất thoát, thua lỗ lớn. Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14.000 tập thể và nhiều cá nhân sai phạm; chuyển cơ quan điều tra hơn 650 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. 

    3. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, PCTN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội, PCTN được ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc, vừa để giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng. Từ năm 2013 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 200 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và PCTN. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN; từng bước hạn chế nguyên nhân phát sinh tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Từ năm 2013 đến nay, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 259 luật, pháp lệnh, nghị quyết, nhất là Luật PCTN, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Luật Giám định tư pháp, Luật Tố cáo, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Tiếp cận thông tin... Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.172 nghị định, 966 nghị quyết, 488 quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành gần 88 ngàn văn bản để triển khai thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN.

    4. Công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tích cực. Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, dân chủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, “lợi ích nhóm” đã giảm hẳn. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cải cách tiền lương... vừa tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, vừa có tác dụng ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng.

    5. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong PCTN ngày càng được khẳng định và phát huy. Các cơ quan chức năng vừa chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN (Có trên 07 triệu sách, tài liệu về PCTN được phát phát hành, hơn 01 triệu lớp tập huấn, hội nghị, cuộc tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTN được tổ chức với gần 63 triệu lượt người tham gia); vừa chủ động thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí về tình hình, kết quả công tác PCTN và định hướng thông tin về những vấn đề nhạy cảm trong xử lý tham nhũng. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong đấu tranh PCTN, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tạo sự đồng thuận trong xã hội, cổ vũ, động viên, khích lệ nhân dân tích cực tham gia đấu tranh PCTN.

    6. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong PCTN ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực. Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát công tác PCTN; HĐND các cấp đã quan tâm nhiều hơn về giám sát công tác PCTN ở địa phương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên; các lĩnh vực có nhiều bức xúc trong dư luận; tích cực phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; quan tâm xử lý thông tin báo chí phản ánh về tiêu cực tham nhũng. 

    7. Chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng PCTN. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo đã làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, nền nếp, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, quyết tâm cao. Vừa tham mưu các chủ trương, chính sách lớn về PCTN; vừa chỉ đạo quyết liệt trong xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; vừa lựa chọn các khâu yếu, việc khó trong công tác PCTN để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục. Tăng  cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN. Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy được tái lập; tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ được củng cố, kiện toàn, đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, hiệu quả tham mưu về công tác PCTN ngày càng cao. Các cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vào cuộc ngày càng quyết liệt, hiệu quả, phát huy vai trò nòng cốt trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng PCTN ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả. 

    8. Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng được tăng cường, đạt kết quả tích cực cực; hoạt động PCTN từng bước được mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 20 hiệp định tương trợ tư pháp; Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung 04 tội danh về tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước; Luật PCTN năm 2018 dành một chương riêng về hoạt động PCTN khu vực ngoài nhà nước.

    Nhìn lại quá trình từ khi thành lập Ban Chỉ đạo năm 2013 đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác PCTN được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện ráo riết, quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Kết quả đạt được trong công tác PCTN thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về PCTN, nhất là việc thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Tạp chí Nội chính

.