Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ ba Hội đồng Bầu cử quốc gia

Thứ Năm, 04/03/2021, 15:00 [GMT+7]
    Chiều 3/3, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Phiên họp thứ ba Hội đồng Bầu cử quốc gia. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, chủ trì và điều hành phiên họp.
 
    Theo Báo cáo tại Phiên họp, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở Trung ương, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nguyên số lượng đại biểu khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên như số lượng đại biểu Quốc hội của khóa XV nhằm bảo đảm và phát huy vai trò đại diện của nhân dân trong Quốc hội, phù hợp với xu hướng ngày càng mở rộng về tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tăng thêm tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng để bảo đảm sự phù hợp giữa số lượng đảng viên và người ngoài Đảng; quan tâm lãnh đạo để số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV đạt ít nhất là hơn 35% trên tổng số người ứng cử và quan tâm đến cơ cấu đại biểu Quốc hội là đại diện cho khối doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học, tăng số lượng đại biểu dân tộc thiểu số được ứng cử đại biểu Quốc hội...
 
Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ ba Hội đồng Bầu cử quốc gia
Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ ba Hội đồng Bầu cử quốc gia
    Ở địa phương, tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV là 1.076 người (gồm cả Trung ương và địa phương), đạt tỷ lệ bình quân 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu, nhưng tỷ lệ này không đồng đều giữa các tỉnh.
 
    Về cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử là 7.656 người trên tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.715 đại biểu, đạt tỷ lệ 2,06 lần trên tổng số đại biểu được bầu, nhiều nơi đạt tỷ lệ cao nhưng một số nơi tỷ lệ này còn thấp.
 
    Tại phiên họp thứ 53 vừa qua, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốcViệt Nam và các địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 1226/NQ - UBTVQH14 điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
 
    Điều chỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu của các địa phương, trong đó xác định cơ cấu định hướng là cơ cấu khung để các tỉnh, thành phố làm căn cứ để giới thiệu người ứng cử gồm đại diện các ngành: khoa học – công nghệ, lao động, thương binh – xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa – nghệ thuật, đại diện chính quyền cơ sở...
 
    Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh, trong cơ cấu này các địa phương cần quan tâm phân bổ hợp lý số người là phụ nữ, người ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, người trẻ và người tự ứng cử. Việc lựa chọn nhân sự cần bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện như quy định của Luật theo hướng nâng cao chất lượng đại biểu và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.
 
    Hiện nay, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang tích cực triển khai các bước của quy trình giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, thời hạn là ngày 11/3 tới. 
 
    Tại phiên họp, sau khi các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia có mặt biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử trong cả nước, các Tiểu ban báo cáo kế hoạch hành động.
 
    Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Hội đồng Bầu cử quốc gia thống nhất với các nội dung được chuẩn bị báo cáo tại phiên họp. 
 
    Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia tiếp thu ý kiến và hoàn thiện văn bản để gửi đến thành viên của Hội đồng Bầu cử quốc gia và các cơ quan liên quan; đồng thời tiếp tục tập trung tham mưu giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia và các tiểu ban đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực hiện các công việc cho cuộc bầu cử thời gian tới đảm bảo đúng tiến độ theo quy định.
 
    Giao các Tiểu ban của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia, các cơ quan Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rà soát lại những công việc theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, khẩn trương chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ về công tác bầu cử, đôn đốc, chỉ đạo công tác tiếp nhận hồ sơ, chuẩn bị cho hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử và nội dung báo cáo công việc thường xuyên về Hội đồng bầu cử quốc gia.
                                                                                                  P.V
.