Tòa án nhân dân tối cao: Triển khai thi hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến
Thứ Năm, 16/12/2021, 11:47 [GMT+7]
Ngày 15/12/2021, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, lãnh đạo, thành viên Hội đồng Thẩm phán, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao và lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Về phía đại biểu khách mời, có các đồng chí đại diện lãnh đạo Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật và các Ban, Bộ, Ngành Trung ương.
Lễ ký Thông tư liên tịch giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp |
Theo báo cáo tại Hội nghị, ngày nay, sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều cơ hội nâng cao hiệu quả hoạt động của quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự biến đổi không ngừng của công nghệ số đã và đang tạo điều kiện thuận lợi, làm thay đổi sâu sắc hoạt động của Tòa án. Từ cung cấp dịch vụ hành chính tư pháp trực tuyến; tống đạt điện tử; cung cấp, tiếp nhận chứng cứ điện tử, trực tuyến… đến xét xử trực tuyến đều được các quốc gia này thực hiện một cách thường xuyên và dần thay thế hoạt động tố tụng truyền thống.
Trong thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư trên cả nước, một số tỉnh, thành phố phải tái áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Để thích ứng với trạng thái bình thường mới, đòi hỏi phải đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển xã hội số, kinh tế số là giải pháp sáng suốt hiện nay. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ cũng phải tổ chức họp và điều hành một số hoạt động của mình qua phương thức trực tuyến. Tòa án tất yếu áp dụng xét xử trực tuyến nhằm khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh.
Nghiên cứu pháp luật hiện hành cho thấy, các đạo luật về tố tụng tư pháp đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Một số Tòa án khi tổ chức phiên tòa hình sự xét xử vụ án xâm hại tình dục, vụ án tham nhũng và một số vụ án khác có nhiều người tham gia tố tụng đã cho Luật sư, bị hại, người làm chứng… tham gia phiên tòa tại phòng khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử. Trên cơ sở các quan điểm, định hướng của Đảng về đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, Tòa án nhân dân tối cao đã đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 12/11/2021, Quốc hội đã biểu quyết thống nhất ban hành Nghị quyết số 33/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Tòa án nhân dân tối cao cũng đã chỉ đạo, chuẩn bị tổ chức 03 phiên tòa mẫu để các Tòa án học tập, tham khảo. Trong đó, 01 phiên tòa mẫu xét xử phúc thẩm vụ án hình sự: Điểm cầu trung tâm tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội được kết nối với điểm cầu thành phần tại Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn; Một phiên tòa mẫu xét xử sơ thẩm vụ án hình sự: Điểm cầu trung tâm tại Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang được kết nối với điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam công an tỉnh Bắc Giang; Một phiên tòa mẫu xét xử sơ thẩm vụ án hành chính: Điểm cầu trung tâm tại Tòa án nhân dân thành phố Hải phòng được kết nối với điểm cầu thành phần tại trụ sở Ủy ban nhân dân (người bị kiện).
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh, sự ra đời của Nghị quyết số 33/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến đã góp phần bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân có liên quan; tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa; giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa và do đó tiết kiệm chi phí xã hội; nâng cao hơn nữa hiệu quả năng lực hoạt động của Tòa án, bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử.
Cũng tại Hội nghị đã diễn ra Lễ ký Thông tư liên tịch giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến”. Việc ban hành Thông tư liên tịch này có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác tổ chức phiên tòa trực tuyến từ ngày 01/01/2022 tới đây.
P.V