Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII xem xét Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ Năm, 05/05/2022, 17:50 [GMT+7]
Trong chương trình Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII, Trung ương xem xét Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện Chương trình công tác năm 2022 và Kết luận tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp các cơ quan hữu quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII |
Đề án có sự kế thừa kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020; và xuất phát từ những yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới. Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gửi xin ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tiếp thu, hoàn thiện Đề án. Qua góp ý xây dựng Đề án, đã có tất cả 63/63 tỉnh ủy, thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đề án đã trình bày đầy đủ, đúng đắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn về sự cần thiết, căn cứ và nguyên tắc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, và cũng đã dự thảo các văn bản liên quan.
Ban Chỉ đạo cần có một số nhiệm vụ trọng tâm: (1) Chỉ đạo cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực tại địa phương, nhất là chỉ đạo thực hiện kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực tại địa phương. (2) Chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa phối hợp, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng việc thực hiện các nhiệm vụ về PCTN, tiêu cực. (3) Chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị, khắc phục; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. (4) Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. (5) Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý thông tin về vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp, kiến nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến và quyết định về những kiến nghị, đề xuất nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị, nhất là về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần tôi đã nhiều lần nói là "Trên Dưới đồng lòng, Dọc Ngang thông suốt!".
P.V