Hội thảo "Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và những vấn đề đặt ra đối với Kiểm toán nhà nước"
Thứ Tư, 21/12/2022, 14:17 [GMT+7]
Sáng ngày 21/12/2022, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và những vấn đề đặt ra đối với Kiểm toán nhà nước”. Hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề lý luận, thực trạng và đề xuất các kiến nghị để hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai gắn với vai trò của Kiểm toán nhà nước. Đại diện lãnh đạo, cán bộ, công chức, chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan của Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương, các bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức nghề nghiệp trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo. Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trần Kim Lộc, Giám đốc trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đồng chủ trì Hội thảo.
Các đại biểu tham dự tại Hội nghị đã được nghe trình bày 06 tham luận gồm: (1) Triển khai thi hành Luật Đất đai gắn với công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản - Thực trạng và giải pháp; (2) Một số vấn đề về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, sử dụng đất đai và vai trò của KTNN; (3) Công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương - Thực trạng và giải pháp; (4) Những kết quả kiểm toán chủ yếu trong hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN; (5) Lỗ hổng trong quản lý, sử dụng đất đai và đề xuất; (6) Công tác bán đấu giá quyền sử dụng đất công và các cơ sở nhà đất thuộc quản lý của Nhà nước và một số vấn đề đặt ra.
Quang cảnh Hội thảo |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai nói chung và hoạt động của KTNN trong lĩnh vực này nói riêng, như: Một số quy định pháp luật còn bất cập, thiếu thống nhất, chồng chéo, mâu thuẫn, nhất là quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai trong Luật Đất đai 2013. Việc thay đổi mục đích sử dụng đất hoặc điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu đất làm gia tăng giá trị tiền sử dụng đất nhưng chưa được kiểm tra, rà soát đầy đủ để xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung.
Một số đơn vị lựa chọn chủ đề kiểm toán chưa phù hợp với thực tế địa phương, năng lực của đơn vị. Trình độ chuyên sâu về kiểm toán lĩnh vực đất đai của kiểm toán viên chưa đồng đều, chưa am hiểu sâu về quy hoạch, xây dựng nên kết quả kiểm toán còn hạn chế. Hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN về lĩnh vực đất đai chưa cao, chưa xử lý hoặc giải quyết dứt điểm các sai phạm và vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai được KTNN phát hiện, kiến nghị xử lý. Qua kiểm toán cho thấy, công tác giao đất tại nhiều địa phương còn bất cập, hạn chế, nhất là trình tự, thủ tục, điều kiện giao đất để thực hiện dự án không hợp lý, cụ thể và không ràng buộc hồ sơ chi tiết; việc thực hiện chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong ưu đãi đầu tư chưa rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng; phương pháp xác định giá đất chưa phù hợp với thực tế, có tình trạng tại cùng một địa phương khi áp dụng các phương pháp khác nhau có chênh lệch lớn về giá trị khu đất dẫn đến nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước. Tại một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước được giao diện tích, số lượng cơ sở đất rất lớn, song việc quản lý chưa chặt chẽ, nhiều thửa đất chưa sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm. Tại các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, còn hiện tượng diện tích đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chênh lệch lớn so với thực tế, khi giao đất, các địa phương không thực hiện đo đạc, cắm mốc giới cụ thể. Tại nhiều địa phương, việc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất còn chưa sát với nhu cầu, tình hình sử dụng đất thực tế. Trong công tác giao đất, đa số trường hợp không thực hiện đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà áp dụng ngay hình thức chỉ định nhà đầu tư…
Đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, sử dụng đất đai và vai trò của KTNN, GS.TS Đoàn Xuân Tiên, nguyên Phó Tổng KTNN đã nhấn mạnh: Cần tiếp tục sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt… Để nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực kiểm toán lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, trong thời gian tới, KTNN cần xác định mục tiêu kiểm toán phù hợp và sát yêu cầu thực tiễn. Nội dung kiểm toán lĩnh vực đất đai cần tập trung vào trọng tâm công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp, đồng bộ, tránh lãng phí trong phân bổ, quản lý và sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính đất đai nhất là giá đất theo thị trường và hệ thống thuế phòng ngừa tình trạng đầu cơ đất; vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và sử dụng đất nông nghiệp… Đổi mới phương thức và cách thức tổ chức kiểm toán linh hoạt, phù hợp với năng lực đội ngũ và điều kiện thực tiễn; rà soát và giải quyết dứt điểm các vấn đề về kết luận, kiến nghị xử lý kiểm toán từ những năm trước…
Các đại biểu cũng cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu Thuế tài sản đối với những tổ chức, cá nhân nắm giữ nhiều tài sản trong đó có bất động sản; quy định việc chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải thông qua hình thức đấu giá nhằm ngăn chặn thất thoát tài sản nhà nước. Đối với hoạt động kiểm toán nhà nước, KTNN cần nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm toán, tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề, chuyên sâu về quản lý, quy hoạch, sử dụng đất đai, trong đó trọng tâm là phát hiện các sai sót, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai để từ đó đưa ra các kiến nghị phù hợp nhằm hoàn chỉnh, sửa đổi cơ chế, chính sách về đất đai; nâng cao năng lực đội ngũ kiểm toán viên; tăng cường sự phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai để đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực có hiệu quả; tạo lập cơ sở dữ liệu kiểm toán về đất đai từ Trung ương đến địa phương.
Nguyễn Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)