Hội thảo khoa học: Thực trạng và giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên trong tình hình mới
Thứ Bảy, 01/04/2023, 12:30 [GMT+7]
Chiều 31/3/2023, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên trong tình hình mới”. Các đồng chí: GS. TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Phan Thăng An, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Đặng Văn Dũng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các ban Đảng Trung ương; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và đại diện ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy: Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình…
Quang cảnh Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phan Thăng An, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên lâu dài trong công tác xây dựng Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phòng, chống tham ô, tham nhũng trong Đảng, Nhà nước. Người cho rằng đó là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm”, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước; gây mất niềm tin của quần chúng Nhân dân; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng là “một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tham ô, lãng phí, quan liêu”, phải được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, nhằm mục đích xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Phan Thăng An, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo |
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ, công chức đã làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu trong những vụ việc, vụ án tham nhũng; thậm chí có sự móc nối, liên kết ở quy mô rộng lớn ở lĩnh vực công và cả lĩnh vực tư. Nguyên nhân xuất phát từ cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, công tác tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, xử lý chưa kịp thời, nghiêm minh; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hiệu quả, công tác quản lý cán bộ đảng viên chưa được thực hiện tốt… Hội thảo được tổ chức nhằm góp thêm ý kiến đóng góp trong việc hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để cán bộ, đảng viên không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để cán bộ, đảng viên không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống để cán bộ, công chức, viên chức không cần tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để cán bộ, đảng viên không muốn tham nhũng, tiêu cực.
Theo Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 39 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác tham mưu trong lĩnh vực nội chính, thanh tra, kiểm tra ở Trung ương và địa phương. Các tham luận công phu, trách nhiệm, tâm huyết cho thấy một bức tranh tương đối toàn diện, phong phú, sinh động về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên; qua kết quả nghiên cứu bước đầu và hầu hết tham luận đều đã chỉ ra, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những mặt hạn chế; một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ; việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp...
GS. TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu kết thúc Hội thảo |
Tại Hội thảo, các ý kiến tham luận tập trung phân tích, đánh giá một số vấn đề liên quan đến lý luận, thực trạng, những vấn đề đặt ra, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên; kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bài học kinh nghiệm của một số địa phương, đơn vị về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, đảng viên thời gian tới…
Phát biểu kết thúc Hội thảo, GS. TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương ghi nhận các các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm tại Hội thảo; đề cập nhiều vấn đề phong phú, thẳng thắn khiến chúng ta phải nhìn nhận sâu hơn, rộng hơn về mối quan hệ và tác hại của tiêu cực đến tham nhũng, giữa vấn đề "xây" và "chống", giữa giáo dục, quản lý và xử lý; vấn đề tháo gỡ cơ chế, chính sách...
GS. TS. Phùng Hữu Phú cho rằng, muốn đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, có sự kết nối chặt chẽ trong đó ngành nội chính, kiểm tra phải gắn rất chặt với ngành tổ chức “còn kẽ hở thì còn tham nhũng, tiêu cực”. Cần có những giải pháp phong phú, mang tính thực tiễn cao trong việc kết hợp giữa "xây" và "chống", giữa phòng, chống tiêu cực với phòng, chống tham nhũng; việc xây dựng hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên; giải pháp về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, công tác cán bộ.
Đặng Phước