Chủ tịch nước công bố một số luật về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Ba, 18/07/2023, 18:11 [GMT+7]
Sáng ngày 17/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã chủ trì buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về 08 luật. Trong đó, đáng chú ý có 4 Luật về nội chính và phòng, chống tham nhũng, cụ thể như sau:
Luật Phòng thủ dân sự được Quốc hội thông qua gồm 7 chương, 55 điều quy định về những vấn đề chung của Luật (phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc hoạt động…); hoạt động phòng thủ dân sự (hoạt động phòng ngừa sự cố, thảm họa; hoạt động phòng thủ dân sự khi xảy ra sự cố, thảm họa; thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; các biện pháp áp dụng…); chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; nguồn lực, chế độ chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng thủ dân sự và điều khoản thi hành.
Toàn cảnh buổi công bố |
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân được ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại…; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Công an nhân dân hiện hành; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của của Bộ luật Lao động năm 2019.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất nhập cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp với thực tiễn và giải quyết những vấn đề cần điều chỉnh để góp phần thực hiện tốt hơn đường lối đổi ngoại, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Luật Đấu thầu có 10 chương với 96 điều, được ban hành nhằm tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước; phòng chống, ngăn chặn tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu. Đặc biệt, nhằm khắc phục tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, Luật đã cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đấu thầu; quy định về công khai thông tin, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu theo hướng yêu cầu công khai tất cả các thông tin trong đấu thầu nhằm nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan; bổ sung quy định về nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng "cài cắm" tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; quy định về cách xác định chi phí cho toàn bộ quá trình sử dụng của hàng hóa, công trình nhằm hạn chế tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá rẻ để trúng thầu, dẫn đến việc thực hiện hợp đồng không bảo đảm tiến độ, chất lượng…
Nguyễn Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)