Phim tài liệu "Không lùi bước": Đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải kiên trì…
Thứ Hai, 11/09/2023, 09:40 [GMT+7]
Bắt đầu từ ngày 11/9/2023, series phim tài liệu “Không lùi bước” được thực hiện bởi ê-kíp phim của Trung tâm Phim tài liệu, Đài Truyền hình Việt Nam, sẽ chính thức đến với khán giả trong khung giờ 20h30 trên kênh VTV1. “Không lùi bước” sẽ kéo dài 5 tập với nội dung xoay quanh vấn đề về tham nhũng. Cụ thể, tập đầu tiên của phim sẽ lên sóng vào ngày 11/9/2023, các tập tiếp theo sẽ được phát lần lượt vào ngày 12/9 (tập 2), 13/9 (tập 3), 18/9 (tập 4) và 19/9 (tập 5).
Trước khi bộ phim chính thức đến với khán giả trên sóng truyền hình, tập đầu tiên của “Không lùi bước” đã được phát trên nền tảng số VTVGo của Đài Truyền hình Việt Nam vào ngày 24/8 và nhận được những phản hồi tích cực.
Trong cuộc trò chuyện với VTV News trước ngày phim phát sóng trên truyền hình, đồng đạo diễn kiêm nhà sản xuất của phim Phan Ý Linh nói về phản hồi của người xem khi phim được phát tập 1 trên VTVGo: “Mọi người phản hồi cũng khá tích cực và nói phim cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, khi phim phát sóng trên truyền hình với độ phổ cập nhiều hơn thì chúng tôi cũng không nắm được phản ứng của mọi người như thế nào... Nhưng với vai trò những người thực hiện phim, chúng tôi đã cố gắng kiểm soát tối đa các thông tin, nội dung mình đưa vào phim với sự cố vấn của các chuyên gia có thâm niên”.
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trả lời phỏng vấn các phóng viên báo chí, ngày 12/6/2023. (Ảnh BNCTW) |
ĐI TÌM CÂU TRẢ LỜI CHO NHỮNG CÂU HỎI VỀ THAM NHŨNG…
Vậy trước khi phim chính thức đến với khán giả xem truyền hình, chị có thể nói một chút về những gì khán giả sẽ được đón nhật trong 5 tập phim của “Không lùi bước” không?
5 tập phim của chúng tôi xoay quanh nội dung về tham nhũng, trong đó, tập đầu tiên sẽ giúp người xem nhận diện về tham nhũng cũng như khái niệm và những hệ lụy của tham nhũng. Ở tập này cũng sẽ điểm qua những cách khắc phục.
Tập thứ 2, chúng tôi chú trọng về thể chế là làm sao để không thể tham nhũng. Tập thứ 3 là luật pháp để không dám tham nhũng. Tập thứ 4 là nói về đạo đức và văn hóa trong phòng, chống tham nhũng. Và ở tập cuối cùng, tập 5, là về việc bảo vệ những người dám làm.
Tại sao Ý Linh và đạo diễn Nhật Duy lại chọn đề tài này?
Trước khi bắt tay vào làm “Không lùi bước”, tôi và đạo diễn Nhật Duy chỉ làm các phim về đề tài trẻ em thôi, chúng tôi chưa bao giờ va chạm với các đề tài chính luận. Ngay cả những đề tài xã hội mang tính người lớn hơn chúng tôi cũng chưa làm, chỉ làm về trẻ em, khai thác những câu chuyện đời sống, nhân văn... Khi chúng tôi đem đề tài này thuyết trình trong Ngày hội Ý tưởng của VTV năm 2022, ý tưởng này cũng bị coi là rất không khả thi và quá nhạy cảm.
Nhưng khi chúng tôi chuyển về Trung tâm Phim tài liệu thì đề tài chính luận lại là mảng nội dung chính của Trung tâm. Và vào đúng thời điểm đấy lại đang có những vụ việc về tham nhũng và khí thế chống tham nhũng đang cực kỳ cao. Và đến bây giờ, như chị cũng thấy, đây vẫn là chủ đề rất nóng, nhận được nhiều sự quan tâm mọi người. Vì thế, chúng tôi quyết định chọn đề tài này để làm.
Lúc đó, chúng tôi cũng đặt nhiều câu hỏi quanh câu chuyện tham nhũng là chuyện đó là như thế nào? Người ta có muốn làm chuyện đó không và nếu không muốn thì tại sao họ lại làm vậy? Rõ ràng là có những người mình thấy họ không thiếu thốn đến mức độ phải tham nhũng, vậy tại sao họ lại như vậy? Có rất nhiều câu hỏi và chính với sự thôi thúc từ những câu hỏi đó khiến chúng tôi quyết định bắt tay vào làm phim, để tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi kia.
Tôi rất thích một câu, đại ý là “Thánh nhân có quá khứ, tội đồ có tương lai”. Có những người mình biết, mình cũng đã chứng kiến những gì họ làm trong thực tại là sự thật và những gì họ làm khi ấy cũng đã khiến mình rất xúc động, khiến mình thấy được sự hy sinh thật của họ... Và đó là câu hỏi rất lớn đối với chúng tôi là vì sao và điều gì đẩy họ vào con đường tham nhũng? Nó là chuyện khách quan hay là chuyện chủ quan? Hay là cả hai? Và chúng tôi muốn tìm được câu trả lời cho tất cả những điều đó.
Trong phim này chúng tôi đặt ra mục tiêu và nó cũng chính là đề bài mà chúng tôi được nhận. Khi chúng tôi nói mình sẽ làm chủ đề về tham nhũng thì đề bài đặt ra là bộ phim này sẽ không đi cụ thể bất kỳ một án nào, không nói tên người. Và việc đó dẫn tới tình trạng là chúng tôi gần như không có hình ảnh nào trong toàn bộ thời gian làm phim. Chúng tôi chỉ làm một phim tài liệu khoa học nói về nguyên nhân vì sao dẫn đến tham nhũng và những biện pháp để giảm thiểu điều đó.
Vì thế, khi các bạn xem “Không lùi bước” sẽ thấy phim sử dụng rất nhiều phỏng vấn cũng như nhiều góc nhìn của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực như luật sư, các chính trị gia, chuyên gia tâm lý, nhà văn...
Chắc hẳn chị và ê-kíp của mình cũng đã nghe người trong nghề vẫn nói là làm phim tài liệu chống tham nhũng để hay được thường rất khó, không dễ chút nào?!
Trong quá trình làm, chúng tôi đã áp dụng triệt để những kỹ năng cơ bản nhất của một Nhà báo để khai thác tối đa tri thức của các chuyên gia. Sau đó, vận dụng toàn bộ kỹ năng biên tập để nhặt chuyện, sắp xếp, bố cục, nhóm các câu thoại của gần 20 chuyên gia cho vào từng tập phim. Đây là kỹ năng không chỉ đòi hỏi sự thấu hiểu nội dung câu chuyện mà còn đòi hỏi sự logic, sắp xếp khoa học để dễ dàng chỉnh sửa từ bản nháp trên giấy sang bản nháp trên bàn dựng.
Cuối cùng là kỹ năng kể chuyện, dẫn dắt nội dung qua từng tập
Những hình ảnh chúng tôi sử dụng là những hình ảnh mang ý niệm về tham nhũng, không miêu tả lại vụ việc nào cụ thể, cũng không ám chỉ một câu chuyện hay cá nhân nào. Kết hợp với các nguồn tư liệu, được chọn lọc từ các kho tư liệu lớn nhất cả nước. Và sử dụng âm nhạc như một người dẫn mạch cảm xúc.
Như vậy, để nêu quan điểm về độ khó khi làm phim về đề tài tham nhũng, thì rõ ràng, nếu với các đề tài về con người/xã hội thì chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian, công sức để chờ đợi những diễn biến tâm lý, những tình tiết thắt mở và thậm chí cả sự thay đổi của bối cảnh xã hội xung quanh nhân vật và đôi khi chúng tôi “tay trắng” ra về nếu chờ đợi cả ngày mà không có gì xảy ra.
Nhưng đối với bộ phim “Không lùi bước”, đề tài tham nhũng, điều khó nhất có lẽ là sắp xếp lịch phỏng vấn các chuyên gia trong một khoảng thời gian bị giới hạn. Khi đã có lịch hẹn, thì thắng hay thua đều nằm trong tay người khai thác câu chuyện (tôi vẫn hay gọi là người đi chợ).
Cái khó khi mình thực hiện một series 5 tập mà chỉ toàn phỏng vấn là gì? Vì tâm lý người xem sẽ luôn là muốn hơn thế ở những gì sau đó họ được xem?!
Vì bài toán ban đầu đưa ra như vậy nên chúng tôi gần như tuyệt vọng trong việc tìm hình ảnh. Nhưng mình vẫn cứ phải tiếp tục và tìm cách cho nó. Và sau khi hoàn thiện bộ phim thì tôi thấy việc mình kể chuyện của mình như thế nào mới là quan trọng, hơn là việc mình sẽ dùng hình ảnh gì.
Chúng tôi đã sử dụng những góc quay mang tính liên tưởng chứ không miêu tả cụ thể một vụ việc và khai thác rất nhiều tư liệu cũng như các tranh biếm họa... Và đấy là tất cả những nguồn chúng tôi sử dụng để kể câu chuyện trong phim của mình. Chúng tôi cố gắng làm sao để có thể kể câu chuyện theo cách dễ hiểu nhất.
Từ lúc lên kế hoạch cho đến khi ngồi vào bàn dựng, bộ phim đã lấy của chị và ê-kíp là bao nhiêu thời gian?
Chúng tôi khởi động làm series này vào tháng 8/2022 và đến tháng 12 thì kết thúc quá trình nghiên cứu. Từ tháng 12 đến tháng 2 thì hoàn thiện quá trình viết kịch bản và đến tháng 4 thì bắt đầu bấm máy. Và tất cả kết thúc vào tháng 6. Trong tháng 7 và tháng 8 thì chúng tôi có tầm 1,5 tháng để làm hậu kỳ cho phim.
Sau khi phim đóng máy và chuẩn bị đến với khán giả, cảm xúc của chị bây giờ là gì - với một đề tài chính luận đầu tiên chị và đạo diễn Nhật Duy thực hiện?
Tôi thấy đề tài chính luận rất thú vị, rất hấp dẫn và nếu mình làm được nó thì phim của mình sẽ mang đến tính giá trị rất lớn. Mình tập hợp được rất nhiều trí tuệ của mọi người trong bộ phim này. Những chuyên gia của mình họ đều có trí tuệ và vấn đề của mình là làm sao khai thác được triệt để nhất những kiến thức của họ trong khoảng thời gian mà họ đồng ý cho mình phỏng vấn.
Trong thời gian làm phim này, các cuộc phỏng vấn thường không được rộng rãi về thời gian. Có cuộc họ chỉ cho mình được 20 phút vì họ rất bận, có cuộc dài hơn được 1 tiếng và dài nhất được 1,5 tiếng. Chúng tôi cố gắng khai thác tối các đa chia sẻ, các câu chuyện của nhân vật trong khoảng thời gian mình có.
Chúng tôi cũng đã học được rất nhiều sau những cuộc phỏng vấn ấy. Chúng tôi cũng rơi lệ rất nhiều, cũng xúc động như khi làm những bộ phim đề tài xã hội trước đây chúng tôi làm. Lần này chúng tôi cũng xúc động như thế nhưng là xúc động bởi tinh thần của các bác, của các nhân vật mang đến. Tinh thần của các bác cũng làm cho mình rất cảm động. Họ nâng sự xúc động của mình lên mức cao hơn, không phải là những câu chuyện nhỏ giản dị của đời sống mà là những câu chuyện mang tầm quốc gia, mang tầm dân tộc.
Vậy điều chị và ê-kíp mong muốn khi phim của mình lên sóng là gì?
Mong rằng với bộ phim này người xem sẽ có cái nhìn khoa học và khách quan về những nguyên nhân tạo nên tham nhũng.
Chúng tôi mong muốn series này sẽ góp phần cung cấp thêm thông tin cho khán giả một cách khách quan và khoa học về cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra.
Đây không phải là cuộc chiến ở xa, mà nó ở rất gần, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân. Điều chúng ta - công dân Việt Nam cần là những người nắm quyền lực công phải là những người dám làm, dám đặt quyền lợi của chung lên trên lợi ích cá nhân. Và khi người cán bộ đã “dám làm vì dân” như vậy thì không cần chờ một cơ chế nào bảo vệ vì họ đã dám thể hiện tình yêu với đất nước và điều họ có được chính là lòng tin của nhân dân - đó mới là thứ quyền lực cao nhất và sống mãi!.
Và chúng tôi hy vọng, khi đã nhìn thấy bức tranh toàn cảnh của cuộc chiến chống tham nhũng, khán giả sẽ không chỉ đưa ra sự phê phán nghiêm khắc cho tham nhũng mà còn góp thêm tiếng nói quyết liệt để bảo vệ những người cán bộ dám làm vì lợi ích của nhân dân.
THAM NHŨNG - KHUYẾT TẬT BẨM SINH CỦA QUYỀN LỰC...
“Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không thể chủ quan, nóng vội, hay là thỏa mãn. Không được né tránh, cầm chừng. Trái lại, phải rất kiên trì, không ngừng, không nghỉ”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
20h30' hôm nay (ngày 11/9), tập 1 của “Không lùi bước” sẽ chính thức được phát sóng trên kênh VTV1. Với tập đầu tiên này, như đạo diễn và nhà sản xuất Phan Ý Linh đã nói, khán giả sẽ được hiểu khái niệm về cách nhận diện tham nhũng.
Điều đặc biệt, ở tập này, những chia sẻ ấy được đến từ những nhân vật, những chuyên gia đặc biệt như GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nhà báo Nhị Lê, Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng; Tiến sĩ Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; PGS.TS. Nguyễn Hồi Loan, Chuyên gia tâm lý ĐH KHXH&NV; Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn...
Trong chia sẻ ở tập 1 “Không lùi bước”, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nói: “Tham nhũng nó là một căn bệnh lưu niên của bất cứ địa phương, Nhà nước, cơ quan nào. Hay nói tham nhũng là căn bệnh lưu niên của quyền lực. Lợi dụng quyền lực để làm những công việc mang lại lợi ích cho cá nhân, cho bộ phận nào đó chứ không phải vì mục đích chung”.
“Đã là cán bộ có tham nhũng thì không còn có năng lực lãnh đạo” - GS.TS. Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nói tiếp: “Bởi vì lãnh đạo là gì? Lãnh đạo là làm gương, lãnh đạo là chỉ đường, lãnh đạo là dẫn lối cho người dân đi. Mà đã là chỉ đường, dẫn lối, là làm gương mà không xứng đáng, còn tham nhũng thì không đúng vai trò lãnh đạo”.
Trong khi đó, khi nói về tham nhũng, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Quyền lực nếu anh phân bổ đúng ưu tiên thì đất nước mới thịnh vượng, mới phát triển được. Còn nếu anh phân bổ theo một cách nào đó - cho phái thân hữu... - thì những ưu tiên của đất nước bị bỏ”.
“Ví dụ như chúng ta không đủ nguồn lực để đầu tư cho giáo dục. Mà không đủ nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghĩa là chúng ta không có tương lai. Nghĩa là dân tộc này không đủ sức cạnh tranh với các dân tộc khác ở trên thế giới. Thì chúng ta thấy quyền lực phân bổ sai do tham nhũng và khi phân bổ quyền lực sai thì đó chính là sự lãng phí lớn nhất”.
“Nguyên nhân tham nhũng thì chúng ta có lẽ phải nhìn sâu hơn vào cái bản tính của con người hay là nhân chủng học. Chúng ta thấy cái bậc thang nhu cầu của Maslow đấy. Nằm ở đáy là các nhu cầu thiết thân nhất và nó cứ theo bậc thang đó. Nhu cầu dưới được đáp ứng thì nhu cầu nó lên” – TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói: “Cái nhu cầu thứ nhất con người ta theo đuổi là lợi ích vật chất. Lợi ích vật chất có đủ thì lúc ấy các thứ khác phát sinh”.
Theo Nhà báo Nhị Lê, Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản: “Từ hội nghị giữa nhiệm kỳ toàn quốc tháng 01/1994 thì Đảng ta xác định 4 nguy cơ, trong đó nguy cơ về quan liêu tham nhũng là nguy cơ thứ 3. Nhìn rộng ra với các quốc gia phát triển và những quốc gia chưa phát triển thì càng thấy vấn đề phòng, chống tham nhũng luôn luôn được họ đặt là một trong những đại sự”.
“Trên thế giới có không dưới 200 định nghĩa về tham nhũng. Và cho đến ngày hôm nay nó đã biến ảo rất nhiều qua mỗi thời kỳ lịch sử của mỗi một quốc gia. Cho đến ngày hôm nay, tôi hình dung ra có 5 loại: Đạo chích, đạo vật, đạo danh, đạo vị và đạo tâm”.
“Từ đạo chích đến đạo vật, đến đạo danh đến đạo vị cũng không sợ bằng tham nhũng lòng tin - Đạo tâm. Mất lòng tin là mất hết”.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn cho biết: “Hiện nay, cái tham nhũng này chính là những cái tát vào phẩm giá con người Việt Nam”.
“Tôi nghĩ rằng có thể sự tham nhũng đó làm kinh tế suy sụp và sau 3 năm, 5 năm chúng ta phải phục dậy nền kinh tế đó và phát triển. Nhưng anh làm suy sụp lòng tin, anh làm suy sụp phẩm giá thì có khi chúng ta mất 100 năm sau mới khôi dựng lại được. Và cái tham nhũng này đang làm rạn vỡ rất nhiều cái phẩm giá con người Việt Nam. Đấy là một điều tổn thương lớn nhất và tội của những người tham nhũng là lớn nhất, nặng hơn những ảnh hưởng về kinh tế”.
“Tất cả bốn trong 10 thống đốc cuối cùng của chúng tôi ở bang Illinois đã vào tù liên bang về tội tham nhũng. Chúng tôi đã có tổng cộng 2.212 công chức bị kết án tại tòa án liên bang về tội tham nhũng và đi tù kể từ năm 1972. Vì vậy, nó có nhiều tác động, nhưng chắc chắn nó làm xói mòn niềm tin vào chính phủ. Và đó là điều mà tất cả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy”.
GS. Dic W Simpson - Giảng viên kinh tế chính trị cho biết như vậy.
P.V
(Theo VTV.VN)