Tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán

Thứ Tư, 20/09/2023, 22:47 [GMT+7]
    Năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã chủ động, tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, khắc phục mọi khó khăn với phương châm hành động “Chất lượng và đạo đức công vụ” bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo quy định của Hiến pháp, pháp luật đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
 
    Thực hiện các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt và đồng bộ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức kiểm toán viên, đến 31/8/2023 toàn ngành đã xét duyệt 127 kế hoạch kiểm toán, triển khai 114/166 đoàn kiểm toán, kết thúc kiểm toán 93 cuộc, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức xét duyệt 94 dự thảo báo cáo kiểm toán, phát hành 61 báo cáo kiểm toán. Nhìn chung, kế hoạch kiểm toán được triển khai đảm bảo tiến độ theo phương án tổ chức kiểm toán đã được phê duyệt; kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán được phát hành cơ bản đảm bảo chất lượng theo yêu cầu; các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra.
 
Một cuộc họp của Kiểm toán Nhà nước
Một cuộc họp của Kiểm toán Nhà nước
    Qua tổng hợp kết quả kiểm toán đối với 61 báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 980 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 2.234 tỷ đồng; kiến nghị khác 7.409 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.
 
    Ngoài việc tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán của Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và kiểm toán hoạt động theo Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030, kế hoạch kiểm toán đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước; nhiều chuyên đề có phạm vi rộng, dư luận xã hội quan tâm nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
 
    Cùng với đó, thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực, Kiểm toán Nhà nước đã bổ sung kế hoạch kiểm toán năm 2023 cuộc kiểm toán “Hoạt động đền bù, giải phóng mặt bằng tại Dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; Việc giao đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của một số dự án sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. 
 
    Với quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán là nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán nhằm đạt được mục tiêu "chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa", Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành và quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, trong đó: Tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đặc biệt là HĐND, UBND các địa phương để xác định thời gian tổ chức kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách phù hợp; lồng ghép tối đa các nhiệm vụ để giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị được kiểm toán; bố trí nhân lực có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn để đảm bảo chất lượng kiểm toán; tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.
                                                                                         Văn Hiếu
.