Bộ Thông tin và Truyền thông: Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 5/2024

Thứ Tư, 22/05/2024, 17:01 [GMT+7]
    Ngày 22/5/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 5/2024.
 
    Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Kỳ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ đã thông tin về tình hình công tác nhân quyền trong tháng và những nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền về công tác này trong thời gian tới. Theo đó, đồng chí đề nghị các cơ quan báo chí chỉ đạo phóng viên tiếp tục quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền về dân chủ nhân quyền, việc bảo đảm quyền con người của Việt Nam; sự tích cực, chủ động, nỗ lực thực hiện các khuyến nghị UPR; tăng cường tuyên truyền về tình hình bảo đảm quyền con người, phát triển kinh tế - xã hội, chỉ số phát triển con người của Việt Nam; kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch về vấn đề dân chủ nhân quyền, tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam…
 
Họp báo công bố Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV của Việt Nam
Họp báo công bố Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV của Việt Nam
    Thông tin về kết quả phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, vừa qua, tại Trụ sở Liên hiệp quốc tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ, Nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam. Báo cáo của Nhóm làm việc ghi nhận Báo cáo quốc gia của Việt Nam, nội dung phiên đối thoại ngày 07/5 và ghi nhận 320 khuyến nghị do 133 nước đưa ra. Các khuyến nghị đề cập nhiều lĩnh vực, như hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người, thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương, hỗ trợ người dân tộc thiểu số, bảo đảm bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền giáo dục, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, quyền con người và doanh nghiệp, quyền con người và biến đổi khí hậu, tham gia một số công ước quốc tế về quyền con người, hợp tác với các cơ chế của Hội đồng Nhân quyền…
 
    Thời gian tới, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành trong Tổ công tác liên ngành về UPR sẽ nghiên cứu kỹ các khuyến nghị, rà soát sự phù hợp với pháp luật, chính sách của Việt Nam và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về lập trường của Việt Nam đối với các khuyến nghị và thông báo trước Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. 
 
    Cũng tại Hội nghị, đại diện Bộ Ngoại giao, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã giải đáp những ý kiến, đề nghị của phóng viên về những vấn đề có liên quan đến công tác nhân quyền được thông tin tại Hội nghị.
 
    Công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại của đất nước. Do đó, để nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền về vấn đề dân chủ nhân quyền, trong thời gian tới, đại diện các cơ quan chủ trì cũng đã đề cập đến việc tăng cường cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về vấn đề nhân quyền và quyền con người nhằm định hướng dư luận xã hội. Thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, coi con người là trung tâm, là mục tiêu, động lực, quá trình đổi mới và phát triển đất nước; khẳng định quyền độc lập dân tộc, quyền tự quyết dân tộc đối với việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam. 
 
    Các cơ quan chủ trì cũng đề nghị các phóng viên cần quan tâm khai thác, tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền nhất là thông tin đối ngoại về thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam; chủ động, kịp thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch về vấn đề dân chủ nhân quyền, tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam.
 
    Cũng tại Hội nghị, đại diện Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ đã thông tin về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Theo dự thảo Luật, với yêu cầu đặt ra là xây dựng một nền lưu trữ Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính, phục vụ nhân dân, trong đó lấy con người làm trung tâm. Với tinh thần xuyên suốt này, dự thảo Luật đã đề ra 06 nguyên tắc lưu trữ cơ bản, trong đó, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước là yếu tố quan trọng và sự tham gia của cộng đồng, xã hội, nhân dân là điều tiên quyết. Đồng thời, cần bảo đảm mục tiêu phát huy hiệu quả giá trị của tài liệu lưu trữ vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam… 
 
    Dự thảo Luật gồm 08 Chương, 65 Điều (dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV), đã bám sát các chính sách lớn, phù hợp với mục tiêu, quan điểm đề ra, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới trong lĩnh vực lưu trữ. Dự thảo Luật đã thể hiện những quy định cụ thể nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng một nền lưu trữ phục vụ, vừa bảo đảm tối đa sự thuận tiện cho người dân, vừa bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước. Luật đã bổ sung nhiều quy định mới, bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; mở rộng phạm vi thông tin và khả năng thực hiện quyền tiếp cận thông tin đầy đủ, nhanh và thuận tiện; góp phần đem lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước.
P.V
.