Hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội ở Việt Nam

Thứ Năm, 09/05/2024, 16:10 [GMT+7]
    Ngày 8/5/2024, Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức Hội thảo “Kiến nghị, giải pháp hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội ở Việt Nam”. Hội thảo là hoạt động được triển khai từ Đề tài cấp bộ “Pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” do TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội làm chủ nhiệm. Các đồng chí: Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp; Hoàng Nam Hải, chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo. Tham dự có đại diện các đại biểu đến từ Ban Nội chính Trung ương, Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Học viện Hành chính Quốc gia…
 
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
    Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày một số tham luận, trao đổi tập trung vào kinh nghiệm của một số quốc gia về pháp luật thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội và khuyến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam; những thách thức và thuận lợi đối với việc xây dựng cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội ở Việt Nam; quan điểm lớn và một số giải pháp cơ bản về hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội.
 
    Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh tội phạm tham nhũng, kinh tế diễn ra nghiêm trọng, thì thu hồi tài sản tham nhũngbị thất thoát, chiếm đoạt không qua kết tội có thể là công cụ rất hữu ích để thu hồi tài sản có nguồn gốc từ tội phạm, do đó việc hoàn thiện khung pháp lý về thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội là hướng đi đúng và rất cần thiết để tạo điều kiện cho việc thu hồi tài sản có nguồn gốc trái pháp luật, nhất là tài sản tham nhũng được thực hiện thuận lợi. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ đối diện với những thách thức chung của các quốc gia khi áp dụng chế định thu hồi tài sản tham nhũng bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội, đó là liên quan đến việc tuân thủ và bảo đảm các quyền cơ bản của cá nhân, quyền con người, quyền công dân; sự khác biệt liên quan đến tiêu chuẩn chứng cứ; việc đảo ngược trách nhiệm chứng minh trong tố tụng hình sự cho người nắm giữ tài sản; nguyên tắc suy đoán vô tội và quyền tài sản. Ngoài ra, nếu xác định tài sản ở nước ngoài cần thu hồi mà không có bản án, quyết định của tòa án (do không thông qua thủ tục kết tội) thì rất khó để đề nghị nước ngoài hợp tác, thực hiện thu hồi.
 
    Các đại biểu cho rằng, giải pháp trước hết là cần hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là ban hành Luật về kiểm soát tài sản, thu nhập; tăng cường quản lý và xử lý nghiêm đối với việc trốn thuế. Sử dụng tổng hợp và linh hoạt các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng bị chiếm đoạt, thất thoát, trong đó có biện pháp hành chính. Chế định thu hồi tài sản không qua kết tội được coi là một giải pháp hữu hiệu để thu hồi do phạm tội mà có, nhưng nó không thể được sử dụng như một biện pháp thay thế cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự khi cơ quan tiến hành tố tụng có khả năng truy tố người phạm tội. Tiếp theo, cần nghiên cứu chế tài xử lý đối với những loại tài sản mà người kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản. Xem xét coi đây là hành vi làm giàu bất chính, tài sản đó cần phải bị thu hồi hoặc tịch thu thông qua phán quyết của Tòa án. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định về khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản liên quan đến tội phạm theo cơ chế thu hồi tài sản không qua kết án, nhất là quy định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan nhà nước trong quản lý tài sản, cơ quan đứng ra để khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng./.
                                                                             Phương Thảo
                                                                   (Ban Nội chính Trung ương)
.