Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024
Thứ Sáu, 13/09/2024, 18:27 [GMT+7]
Tiếp tục Phiên họp thứ 37, sáng 13/9/2024, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá về tình hình tham nhũng được nêu trong báo cáo của Chính phủ, đồng thời nhận thấy, trong năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương; nhiều chính sách, quy định mới về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng và Nhà nước ban hành, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc.
Toàn cảnh Phiên họp |
Trong đó, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ, điều tra, xử lý dứt điểm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã khởi tố mới 722 vụ án/1.571 bị can; kết luận điều tra, đề nghị truy tố 689 vụ án/2.235 bị can. Viện kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý giải quyết trong giai đoạn truy tố 985 vụ/3.269 bị can, đã giải quyết 852 vụ/2.785 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 750 vụ/1.851 bị cáo (tăng 274 vụ/736 bị cáo so với cùng kỳ), trong đó xét xử 640 vụ/1.531 bị cáo. Tòa án nhân dân các cấp đã tuyên phạt tử hình và tù chung thân 10 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm với 62 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 203 bị cáo… Các cơ quan đã kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm, kể cả trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước, cả những vụ việc tồn đọng, kéo dài hoặc vụ việc mới phát sinh, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được tích cực áp dụng. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra tạm tính khoảng 4.586 tỷ đồng và 59.899m2 đất. Các cơ quan đã thu hồi, kê biên, tạm giữ khoảng 1.535 tỷ đồng và 45.303m2 đất, hơn 2,6 triệu USD, 97 miếng kim loại màu vàng, 534 cây vàng SJC, 9 bất động sản, 1.444 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại, 01 xe Mercedes Ben…. Tạm dừng giao dịch, chuyển nhượng đối với 88 bất động sản; yêu cầu ngân hàng tạm dừng giao dịch đối với 13 sổ tiết kiệm (tổng giá trị khoảng 1.117 tỷ đồng).
Bên cạnh kết quả đạt được, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn ở một số lĩnh vực như: quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản...; phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn còn diễn ra…
Do đó, đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.
Quỳnh Trang