Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Thứ Hai, 21/10/2024, 18:50 [GMT+7]
    Ngày 21/10/2024, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV sẽ khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
 
    Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
 
Toàn cảnh Phiên khai mạc
Toàn cảnh Phiên khai mạc
    Dự phiên khai mạc còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và lãnh đạo các địa phương, các vị đại biểu khách quý, các đại sứ, đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội, và các đại biểu Quốc hội.
 
    Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra sau khi Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thành công rất tốt đẹp. Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đời sống của Nhân dân.
 
    Theo Chương trình, Kỳ họp thứ 8 được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11; Đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng 30/11, dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 29,5 ngày. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.
 
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên khai mạc
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên khai mạc
    Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật đồng thời xem xét, cho ý kiến 13 dự án Luật. Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (trong đó có báo cáo về tình hình thiệt hại, mức độ ảnh hưởng của cơn bão số 3 và giải pháp khắc phục hậu quả sau bão), ngân sách nhà nước năm 2024 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân...
 
    Quốc hội cũng xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
 
    Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
 
    Kỳ họp thứ 8 có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ hoàn thành. Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8.
 
    Phát biểu tại Phiên khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm về thể chế hóa nghị quyết của Trung ương lần thứ 10 khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước.
 
    Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 27 ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, tập trung nhấn mạnh 03 vấn đề:
 
    Một là, đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Các quy định của pháp luật mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, vấn đề có tính nguyên tắc, những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên giao cho Chính phủ, địa phương quy định, để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư.
 
    Đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn để xây dựng các quy định pháp luật, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn để mất thời cơ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
 
    Hai là, thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Cần sớm nghiên cứu, xác định rõ phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội, phù hợp với thực tiễn, tránh trùng giẫm với hoạt động của các cơ quan nhà nước khác, gây lãng phí. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản pháp luật, chú trọng theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
 
    Đổi mới quy trình quyết định ngân sách nhà nước, bảo đảm thực chất, đi đôi với việc giám sát việc thực hiện ngân sách; từng bước thay thế việc ban hành các nghị quyết bằng các đạo luật về tài chính, ngân sách…
    
    Ba là, đổi mới mạnh mẽ tổ chức hoạt động của Quốc hội đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng
cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của đại biểu Quốc hội; coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội. Hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải đúng vai, thuộc bài, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, đảm bảo chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia.
 
    Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội cần thống nhất cao, gương mẫu đi đầu, đóng góp tích cực, quan trọng trong xây dựng thể chế, phát triển đất nước, với tinh thần đổi mới, cải cách hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân…
 
    Nhấn mạnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước cũng đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết, Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, của Nhà nước, của Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, bứt phá, hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình, góp phần cùng toàn Đoàn, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết phấn đấu sớm xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc...
                                                                                    Văn Hiếu
.