Công bố kết quả khảo sát, nắm tình hình kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) tại Bộ Tư pháp

Thứ Ba, 30/08/2016, 14:50 [GMT+7]

Ngày 29-8-2016, Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” (Ban Chỉ đạo) do đồng chí Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước làm Trưởng Đoàn đã chủ trì buổi làm việc, công bố kết quả khảo sát, nắm tình hình tại Bộ Tư pháp theo Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 14-6-2016 của Ban Chỉ đạo về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Kế hoạch số 02-KH/BCĐ ngày 25-7-2016 của Ban Chỉ đạo về khảo sát, nắm tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) tại một số tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Làm việc với Đoàn có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; các đồng chí trong Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ và đại diện các vụ, đơn vị thuộc Bộ.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo trình bày tại buổi làm việc, ngay sau khi Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) được ban hành, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã phối hợp với Đảng ủy, lãnh đạo Bộ quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết trong toàn Đảng bộ. Bộ đã xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) và các văn bản chỉ đạo của Trung ương; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thông qua các cuộc họp, tọa đàm, hội nghị sơ kết, tổng kết nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức về phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí.

Bộ đã triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó: Đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên và người đứng đầu trong công tác PCTN; thực hiện công khai, dân chủ trong công tác cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp quản lý, phụ trách; minh bạch tài sản, thu nhập của đảng viên, cán bộ, công chức; thực hiện quyền tự chủ về tài chính, biên chế và giao khoán kinh phí hoạt động cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức; công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán, giúp giảm thiểu các cơ hội phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp; chú trọng xây dựng và hoàn thiện các quy định về quản lý kinh tế thuộc thẩm quyền, như: Quy định về quản lý, sử dụng đất đai, công sở; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; hoạt động mua sắm công và công tác thu, chi ngân sách...

Chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Các đơn tố cáo cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng đều được Bộ Tư pháp xác minh làm rõ, qua đó, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, ổn định trật tự, kỷ cương của ngành Tư pháp, hạn chế các biểu hiện tham nhũng, lãng phí.

Trong 10 năm qua (2007-2016), toàn ngành đã đẩy mạnh hoạt động tự kiểm tra nội bộ, nhất là trong lĩnh vực thi hành án dân sự; tăng cường đôn đốc, kiểm tra và tự kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng công chức nhằm ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực. Qua công tác tự kiểm tra, đã phát hiện và xử lý 22 trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.

Công tác thanh tra của Bộ được tập trung vào một số lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng như: tổ chức cán bộ, quản lý ngân sách, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản... Tăng cường thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực công chứng, bán đấu giá tài sản... Qua thanh tra, đã ban hành 43 quyết định thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền hơn 1,895 tỷ đồng, 86 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 498 triệu đồng.

Từ năm 2006 đến nay, Bộ đã xử lý, kỷ luật 03 cán bộ vi phạm về chi tiền nhuận bút, phát hành phí sai nguyên tắc; kiểm điểm và xử lý kỷ luật cảnh cáo, không bổ nhiệm lại đối với Giám đốc Học viện Tư pháp và cách chức, chuyển công tác khác đối với Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế toán, Học viện Tư pháp. Qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ đã phát hiện một số vụ việc tham nhũng, điển hình là vụ việc tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lai Châu, 05 Chi cục Thi hành án dân sự thuộc tỉnh Lai Châu, 01 Chi cục Thi hành án dân sự thuộc tỉnh Đồng Nai và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với các cá nhân vi phạm.

Kết quả thu hồi tài sản trong các bản án hình sự, các cơ quan thi hành án dân sự đã thụ lý tổng số 743 việc, đã thi hành xong 610 việc, chiếm 82,1% (trong đó tỷ lệ thi hành các vụ án tham nhũng đạt cao nhất 50,02% năm 2007 và thấp nhất 30,3% năm 2010); đã thụ lý về tiền gần 11.812 tỷ đồng, đã thi hành xong hơn 658 tỷ đồng.

Cũng trong 10 năm qua, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã phối hợp với Đảng ủy, lãnh đạo Bộ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện chính sách thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện nhằm đưa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào nền nếp, có hiệu quả trong chi tiêu sử dụng ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản... Nhìn chung, việc quán triệt, triển khai thực hiện công tác PCTN, lãng phí tại Bộ Tư pháp cơ bản đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong 10 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) của các đơn vị thuộc Bộ còn bộc lộ một số hạn chế, như: Việc tổ chức tuyên truyền, quán triệt, thực hiện Nghị quyết chưa đáp ứng được yêu cầu; việc tự rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa kịp thời; ban hành và thực hiện một số nội dung Kế hoạch Chương trình hành động PCTN, lãng phí còn chậm; một số đơn vị chưa tích cực tự kiểm tra nhằm phát hiện và phòng ngừa đối với các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; chưa chú trọng báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được thực hiện nghiêm, xong việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa triệt để (trong báo cáo cũng chưa thể hiện rõ vấn đề này); việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng chưa được thể hiện rõ nét trong báo cáo; mặt khác, báo cáo cần bổ sung thêm một số nội dung về việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Đồng chí Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trưởng Đoàn công tác số 3 kết luận buổi làm việc
Đồng chí Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trưởng Đoàn công tác số 3 kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trưởng Đoàn công tác số 3, ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị các nội dung phục vụ việc khảo sát, nắm tình hình của Đoàn công tác; đánh giá cao kết quả mà Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X); đồng tình với một số hạn chế, vướng mắc được nêu trong Báo cáo của Đoàn công tác và trong Báo cáo của Bộ Tư pháp, đồng thời, đề nghị Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tư pháp trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, như sau: 1) Bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thẩm định các văn bản pháp luật, cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, đặc biệt là công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên đối với công tác PCTN, lãng phí. 2) Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN, lãng phí gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác PCTN. 3) Tăng cường tự kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, tham nhũng, lãng phí của các đơn vị trong ngành; căn cứ các quy định mới trong quản lý tài chính ngân sách để triển khai thực hiện sâu rộng trong toàn ngành góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. 4)Sớm hoàn thiện Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), bổ sung vào Báo cáo nội dung thực hiện việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện thời gian qua.

Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của Đoàn công tác, ghi nhận và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Báo cáo theo đề nghị của Đoàn công tác.

Thu Hà

;
.