Đoàn khảo sát 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) làm việc với Tỉnh ủy Bắc Kạn

Thứ Tư, 31/08/2016, 17:15 [GMT+7]
    (BNCTW) - Ngày 30-8-2016,  Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) đã làm việc với Tỉnh ủy Bắc Kạn về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác; Nguyễn Văn Du, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ trì Hội nghị.
 
    Tham dự có các đồng chí trong Ban Thường Vụ, Thường trực Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và các đồng chí thành viên Đoàn công tác.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Báo cáo tại Hội nghị cho thấy: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) và Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khoá XI), công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có nhiều chuyển biến, đạt được một số kết quả quan trọng. Toàn tỉnh đã triển khai quán triệt đầy đủ các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) và cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh". Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tích cực triển khai xây dựng cơ chế, định mức quản lý các cấp, các ngành; nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có sự chuyển biến tích cực; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí được quan tâm thực hiện, bước đầu phát huy được hiệu quả; hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước ngày càng chặt chẽ; các lĩnh vực quản lý điều hành ngân sách, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tuyển dụng, bố trí, quy hoạch và đào tạo cán bộ; mua bán tài sản công được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch hơn; công tác thi đua khen thưởng được quan tâm, kịp thời biểu dương những điển hình tốt, phổ biến những kinh nghiệm hay, phê phán, lên án những hành vi tiêu cực; chấn chỉnh, xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm chuẩn mực về đạo đức và lối sống, vi phạm pháp luật.
 
    Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng tích cực, hiệu quả. Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện trên 1.640 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi hơn 286 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 61 tỷ đồng và xử lý 57.206 m2 đất; kiến nghị truy thu hơn 171 tỷ đồng tiền thuế, phí; xử lý 14 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong đơn vị, 46 cán bộ, đảng viên có liên quan tham nhũng, lãng phí. Vai trò của xã hội, của cơ quan dân cử, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, điều hành, thực hiện công khai, minh bạch trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội; trên địa bàn tỉnh không có vụ việc phức tạp và nghiêm trọng xảy ra. Kết quả trên đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền.
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường Trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trưởng Đoàn công tác phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường Trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trưởng Đoàn công tác
phát biểu tại Hội nghị
    Các ý kiến phát biểu đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết và các luật, văn bản hướng dẫn về phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa thực hiện thường xuyên, sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân; tham nhũng chủ yếu được phát hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra và đơn thư tố cáo; việc tự kiểm tra, thanh tra trong nội bộ chưa đạt hiệu quả; công tác phối hợp còn hạn chế, nhất là việc chuyển cơ quan điều tra để xem xét khởi tố hình sự; công tác thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí chưa triệt để...
 
    Phát biểu kết luận, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường Trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác đánh giá cao Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã quan tâm lãnh đạo, kịp thời ban hành các văn bản, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy để cụ thể hóa các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tổ chức thực hiện khá toàn diện; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng được quan tâm, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
 
Đồng chí Nguyễn Văn Du, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Văn Du, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
    Thời gian tới, đồng chí đề nghị Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đó là: (1) Xây dựng, hoàn thiện, thực thi nghiêm, đồng bộ, thống nhất thể chế từ Trung ương tới địa phương, từ cấp tỉnh xuống cấp xã bao gồm các lĩnh vực kinh tế xã hội, tổ chức bộ máy, phòng ngừa, xử lý, khen thưởng kỷ luật…; (2) Công khai, minh bạch cụ thể trong hoạt động cơ quan, đơn vị, trong trách nhiệm giải trình, trong kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ, công chức; (3) Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, sự gương mẫu của người đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ; (4) Mở rộng công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ra ngoài khu vực Nhà nước; (5) Tăng cường công tác kiểm tra giám sát để phát hiện tham nhũng, giám sát hoạt động xử lý tham nhũng, trong đó có sự giám sát của Đảng, các cơ quan dân cử của Nhà nước, sự giám sát của nhân dân và báo chí; (6) Phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời, công bằng, phù hợp theo nguyên tắc tài liệu vững đến đâu xử lý đến đó, kết hợp xử lý hành chính và hình sự một cách hợp lý; (7) Xây dựng văn hóa phòng, chống tham nhũng, lãng phí trước hết là trong cán bộ, công chức, viên chức; tự giác, nghiêm túc thực hiện tốt những quy định của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Đặng Phước
;
.