Kết quả khảo sát, nắm tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) tại Ngân hàng Nhà nước
Thứ Tư, 31/08/2016, 17:25 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 30-8-2016, Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X (Ban Chỉ đạo) đã làm việc với Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về kết quả khảo sát, nắm tình hình 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Đồng chí Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trưởng Đoàn công tác chủ trì buổi làm việc. Đồng chí Đào Minh Tú, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; các đồng chí trong Ban cán sự đảng, đại diện các vụ, đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước tiếp và làm việc với Đoàn.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Theo Báo cáo, Ban cán sự đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành, là nhiệm vụ thường xuyên vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài. Ban cán sự đảng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chương trình hành động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện trong toàn ngành. Về cơ bản, các vụ, cục, đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước đã nghiêm túc triển khai thực hiện và đạt kết quả bước đầu tích cực trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.
Xác định là ngành có môi trường kinh doanh thường xuyên tiếp xúc với tiền tệ, nguy cơ xảy ra tham nhũng rất cao, chính vì vậy, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Ngân hàng đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Trong đó, chú trọng ban hành các thể chế, quy định, quy trình nghiệp vụ, cụ thể hóa các văn bản pháp luật về quản lý kinh tế theo chức năng quản lý Nhà nước (trong 10 năm đã ban hành 2.986 văn bản, sửa đổi, bổ sung 13.159 văn bản) quy định về cho vay, bảo lãnh, tiền gửi, các dịch vụ ngân hàng, thanh tra, giám sát, phân định trách nhiệm, quyền hạn trong từng khâu nghiệp vụ, trong quá trình thẩm định, xét duyệt, cấp tín dụng, giám sát thu hồi nợ vay, bảo đảm an toàn hoạt động... tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng và phòng ngừa tham nhũng. Một số giải pháp phòng ngừa khác được chú trọng như: Minh bạch về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực đạo đức đảng viên, cán bộ, công chức; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; cải cách hành chính; quản lý thu, chi ngân sách, mua sắm tài sản; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, thể chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong ngành Ngân hàng...
Đồng chí Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trưởng Đoàn công tác số 3 kết luận buổi làm việc |
Trong 10 năm qua (2007-2016), toàn ngành Ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi 37.021 lượt cán bộ, công chức, người lao động thuộc vị trí cần luân chuyển, bảo đảm phát huy được năng lực, trình độ, nâng cao chất lượng xử lý công việc, góp phần phòng ngừa tham nhũng.
Thực hiện quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý phụ trách, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét xử lý trách nhiệm hình thức khiển trách đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vì để xảy ra mất đoàn kết nội bộ và vi phạm chế độ chi tiêu tài chính; quyết định cho thôi giữ chức vụ, bố trí công tác khác đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vì để xảy ra sai phạm tại Công ty cho thuê tài chính II và có biểu hiện mất đoàn kết trong nội bộ cán bộ lãnh đạo đơn vị; tại hệ thống tổ chức tín dụng có 20 người bị xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra vụ việc tham nhũng.
Thông qua công tác tự kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và qua công tác điều tra, toàn ngành Ngân hàng đã phát hiện 35 vụ việc vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự thuộc tội phạm tham nhũng (trong đó, 30 vụ việc tham nhũng được phát hiện qua công tác tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, do tổ chức tín dụng tự phát hiện; 03 vụ việc qua thanh tra, kiểm tra; 02 vụ việc do cơ quan chức năng phát hiện, khởi tố).
Tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng của 33 vụ án đã phát hiện và được xét xử là hơn 215,77 tỷ đồng (02 vụ án ALCII và Huỳnh Thị Huyền Như đang được xét xử chưa kết luận được số tiền thiệt hại). Tài sản tham nhũng đã khắc phục, thu hồi được hơn 44,987 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 20,8%). Việc xử lý nội bộ đối với cá nhân người vi phạm và xử lý cán bộ có liên quan đến các vụ việc tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật; đối với 33 vụ việc/60 người bị Tòa án tuyên án tù giam đã bị sa thải.
Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng là nội dung được toàn ngành Ngân hàng quan tâm triển khai. Kết quả, 10 năm qua, trong quản lý sử dụng ngân sách đã tiết kiệm và tiết giảm thực hiện kinh phí khoán 607,740 tỷ đồng; trong mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc tiết giảm được 113,669 tỷ đồng; về đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng trụ sở làm việc thông qua việc rà soát, thẩm định các khâu từ lập dự án, thực hiện dự án và quyết toán vốn đầu tư hoàn thành từ năm 2008-2015, tiết kiệm được 1.597,221 tỷ đồng...
Đồng chí Đào Minh Tú, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại buổi làm việc |
Cùng với những kết quả trên, việc thực hiện công tác PCTN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) trong toàn ngành Ngân hàng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Công tác tuyên truyền về PCTN, lãng phí ở một số đơn vị chưa được triển khai thường xuyên; hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ tại một số ngân hàng thương mại chưa phát huy hiệu quả; công tác xây dựng chương trình, kế hoạch về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại một số đơn vị thiếu cụ thể; công tác kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa thường xuyên. Việc xử lý tài sản thế chấp để thu hồi vốn khó khăn, nhất là tài sản liên quan đến những vụ việc tiêu cực, tham nhũng; sự phối kết hợp giữa chính quyền địa phương và tổ chức tín dụng trong công tác xử lý, thu hồi tài sản còn hạn chế...
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trưởng Đoàn công tác số 3 đánh giá cao sự chuẩn bị và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận số 21-KL/TW về công tác PCTN, lãng phí trong ngành Ngân hàng. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị Ban cán sự đảng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế trong hoạt động tín dụng ngân hàng, thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, bảo đảm an toàn hoạt động, chống tham ô, thất thoát, lãng phí; quan tâm hơn nữa công tác PCTN, lãng phí, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; thực hành tiết kiệm trong chi thường xuyên, đầu tư mua sắm, đầu tư cho các doanh nghiệp. Đồng thời, cần bổ sung một số đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ về việc xây dựng các biện pháp hạn chế sử dụng tiền mặt trong thanh toán; xây dựng quy định cụ thể về hình thức cho vay đối với các hợp đồng, dự án BOT (quy định về tài sản thế chấp, thời gian cho vay, hạn chế nâng vốn, đấu thầu công khai, minh bạch, không thực hiện giao khoán cho các dự án này như hiện nay); xây dựng quy định cụ thể các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản thế chấp, hạn chế thấp nhất thất thoát tài sản của Nhà nước.
Thay mặt Ban cán sự đảng, đồng chí Đào Minh Tú, Ủy viên Ban cán sự, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của Đoàn công tác, yêu cầu các vụ, đơn vị chức năng nghiên cứu, bổ sung Báo cáo. Đồng chí khẳng định, Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, tổ chức đoàn thể và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động tín dụng, ngân hàng.
Thu Hà
;