Đoàn công tác số 6 của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) làm việc với Tỉnh ủy Bình Thuận
Thứ Năm, 01/09/2016, 18:41 [GMT+7]
(BNCTW) - Đoàn công tác số 6 của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) do đồng chí Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Bình Thuận để khảo sát, nắm tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh.
Theo Báo cáo kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) của tỉnh, ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện.
Quang cảnh buổi làm việc |
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, lãng phí bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, giúp nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân. Việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục và đào tạo được triển khai thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị 10/CT-TTg, ngày 12-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn tỉnh đã chuyển đổi vị trí công tác đối với 3.023 lượt cán bộ, công chức, viên chức; đã xử lý trách nhiệm đối với 61 trường hợp người đứng đầu do để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập có chuyển biến tích cực qua từng năm và dần đi vào nền nếp. Hầu hết các sở, ban, ngành của tỉnh, các cơ quan, đơn vị ở địa phương đã xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Có 47 trường hợp nộp lại quà tặng theo quy định, với tổng giá trị 356,3 triệu đồng.
Công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngày càng tích cực hơn. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 18 cuộc giám sát, khảo sát các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh đã tổ chức 96 cuộc giám sát chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua giám sát đã có 114 kiến nghị đối với các cơ quan, đơn vị được giám sát.
Việc tự phát hiện tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị được nâng lên qua từng năm. Toàn tỉnh đã tiến hành 599 cuộc thanh tra và 447 cuộc kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Số vụ tham nhũng phải xử lý là 127 vụ/213 người (đã xử lý 122 vụ/205 người); công tác xét xử của tòa án các cấp nghiêm minh; việc cho bị cáo hưởng án treo đã được khắc phục; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 57,8%. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng ngày càng chặt chẽ.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Tỉnh ủy và một số cơ quan, đơn vị tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng sơ hở của các quy định pháp luật để tham nhũng; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng để khắc phục tính hình thức, kém hiệu quả của một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng; cụ thể hóa quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng Đoàn công tác số 6 ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Tỉnh ủy Bình Thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X). Đồng chí đề nghị Tỉnh ủy Bình Thuận quan tâm một số nhiệm vụ sau: (1) Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. (2) Quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng. (3) Quan tâm chỉ đạo thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nhất là các quy định mới được ban hành. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội giúp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. (4) Các cơ quan chức năng của tỉnh cần nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng, lãng phí; nhất là các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. (5) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của các cấp ủy, tổ chức Đảng.
Thu Huyền
;